'Lãnh đạo cấp cao nêu gương thì sức tác động rất mạnh mẽ'
Cùng với việc làm tốt kiểm soát quyền lực, chăm lo công tác cán bộ thì yếu tố quyết định vẫn phải là từng cán bộ tự thấy hết trách nhiệm của đảng viên và tự giác tu dưỡng, rèn luyện.
5 năm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng của nhiệm kỳ Khóa XII, có hơn 87 nghìn đảng viên và 1 nghìn 329 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật. Trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý, 3 Ủy viên Bộ Chính trị và 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Chưa có nhiệm kỳ nào có nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật như vậy.
Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII).
Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII), hơn 1 nghìn 700 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6 nghìn 600 tập thể và gần 18 nghìn cá nhân. Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1 nghìn 200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gần 2 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII).
Tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII), Đảng ta tiếp tục nhìn thẳng vào sự thật, tự soi những vấn đề còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn để tiếp tục đề ra những nhiệm vụ, giải pháp sát với thực tế nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết xử lý cán bộ thoái hóa, biến chất, mắc sai phạm.
Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Trung ương mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở: "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân".
Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng ta đau đáu suốt nhiều năm qua về vấn đề tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên. Bởi thực tế vẫn còn một phận cán bộ đảng viên đang tự đánh mất phẩm giá thiện lương, không kiên tâm, bền chí nuôi dưỡng, bồi đắp và bảo toàn danh dự hai tiếng "Đảng viên".
Không chỉ có vậy, theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương thì họ đã làm tổn hại đến uy tín, hình ảnh của Đảng: "Mọi sự hư hỏng, khuyết điểm, sai lầm, mất lòng tin của nhân dân bắt nguồn từ sự thao hóa về động cơ, mục đích. Tha hóa từ động cơ chính trị thì vào Đảng để tìm kiếm bổng lộc, tìm kiếm công danh, tìm kếm danh lợi. Vì mình chứ không phải vì dân nữa thì sẽ dẫn đến mất tín nhiệm của Đảng đối với nhân dân".
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: việc "mất" cán bộ liên quan đến các vụ việc, vụ án lớn vừa qua có nguyên nhân "gốc rễ" là các cá nhân này không giữ gìn đạo đức cách mạng, vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm. Vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, người đảng viên không giữ được mình, trở thành kẻ có tội.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, cùng với việc làm tốt kiểm soát quyền lực, chăm lo công tác cán bộ thì yếu tố quyết định vẫn phải là từng cán bộ tự thấy hết trách nhiệm của đảng viên và tự giác tu dưỡng, rèn luyện: "Muốn làm gương về đạo đức thì phải tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng. Muốn có hành động tốt, phát ngôn đúng, phát ngôn tốt, muốn có hành động nêu gương thì trước hết bản thân phải tu dưỡng, rèn luyện. Việc tu dưỡng, rèn luyện phải thường xuyên hàng ngày. Quan trọng nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp cao mà nêu gương thì sức tác động rất mạnh mẽ, rất to lớn trong toàn Đảng để cho cấp dưới noi theo".
Mặt trái của quyền lực kết hợp với mặt trái của kinh tế thị trường đã tạo thành một sự cộng hưởng gây nên những tha hóa nghiêm trọng về đạo đức, lối sống hiện nay. Tình trạng nhũng nhiễu dân trước kia diễn ra chủ yếu ở cán bộ, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, thì nay xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực như: y tế, giáo dục, văn hóa, thực hiện chính sách xã hội, tổ chức cán bộ, hoạch định chính sách... với mức độ ngày càng tăng. Đánh mất đạo đức cách mạng "nền tảng gốc" là một bước ngắn, hết sức nguy hiểm dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khẳng định: "Đạo đức, lối sống suy thoái đấy chính là tự diễn biến, chứ không phải diễn biến bằng lời nói mà diễn biến bằng chính hành động. Khi đảng viên không còn vai trò là người lãnh đạo nữa, không phải là đầu tầu gương mẫu trong cuộc sống, không phải là người tốt nữa thì đấy chính là tự diễn biến, không ai chống mình cả. Rõ ràng làm trong sạch vững mạnh đấy chính là biện pháp chống "tự diễn biến" tận gốc, sâu sắc nhất."
Một hệ lụy khác từ sự vi phạm chuẩn mực đạo đức đảng viên là các thế lực thù địch, phản động lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để đẩy mạnh bôi xấu, xuyên tạc, tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Điều này đặt ra yêu cầu càng phải ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.
Ông Trần Hậu, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận cho rằng: "Quy định về quản lý đảng viên mỗi thời phải khác, càng ngày càng phải quản lý chặt chẽ hơn, càng ngày phải có nội dung khác hơn. Vì điều kiện hoạt động của mỗi đảng viên trong điều kiện kinh tế thị trường khác. Quy định chung là cần nhưng quy định cụ thể vào từng con người, từng trường hợp, từng địa phương thì phải xét cụ thể".
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra 1 nghìn 304 vụ với 3 nghìn 523 bị can về các tội tham nhũng; hoàn thành xét xử 23 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nổi bật là, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trên diện rộng, vi phạm có tính hệ thống, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án xảy ra tại Công ty AIC; các vụ án liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài sản nhà nước xảy ra tại Bình Thuận; vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm đăng kiểm;... Đó là điều hết sức đau xót vì những người vi phạm đã quên mất việc tu dưỡng, giữ gìn đạo đức của người đảng viên.
TS. Nguyễn Quốc Bảo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: bài học cho tất cả đảng viên là dẫu ở cương vị, trọng trách nào, không bao giờ được buông lỏng sự tự ý thức, rèn luyện của bản thân: "Một khi đã ý thức, tự tu dưỡng thì chúng ta không chỉ có bản lĩnh mà luôn luôn ý thức công việc của mình, mình làm được đã đúng chưa? Có vì dân chưa? Việc làm của mình có tổn hại đến lợi ích chung của tập thể không? có tổn hại đến lợi ích của người dân không? Tổn hại danh dự của Đảng và trong đó của bản thân không?".
Tiền nhân nói "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Nếu không "tu thân" thì sao có thể "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Nếu "tu thân" kém thì dù Đảng và tập thể có ưu ái, lựa chọn thì cuối cùng cá nhân đó cũng không trở thành cán bộ tốt, cán bộ giỏi được. Khi được bố trí vào chức vụ, càng cần tu dưỡng, nâng cao trình độ; tránh tự huyễn, coi chức vụ là cơ hội làm ăn, mang lại lợi ích riêng. Việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức sẽ giúp bản thân mỗi cán bộ tự đề cao trách nhiệm của mình trước Đảng, trước đất nước và trước nhân dân.