Lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh, cấp xã sẽ được chỉ định sau khi sáp nhập

Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ định chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, ủy viên UBND cấp tỉnh trong trường hợp nhập nhiều đơn vị hành chính thành một đơn vị mới cùng cấp.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi vừa được Chính phủ trình Quốc hội đã có những điều chỉnh về tổ chức chính quyền địa phương khi nhập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cùng cấp.

Theo đó, trường hợp nhiều ĐVHC nhập thành một ĐVHC mới cùng cấp thì đại biểu HĐND của các ĐVHC cũ được hợp thành HĐND của ĐVHC mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.

Lúc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND, trưởng ban của HĐND cấp tỉnh ở ĐVHC cấp tỉnh mới. Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND, trưởng ban của HĐND cấp xã ở ĐVHC cấp xã mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.

 Thủ tướng sẽ chỉ định chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, ủy viên UBND cấp tỉnh ở ĐVHC cấp tỉnh mới. Ảnh: HUỲNH DU

Thủ tướng sẽ chỉ định chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, ủy viên UBND cấp tỉnh ở ĐVHC cấp tỉnh mới. Ảnh: HUỲNH DU

Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ định chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, ủy viên UBND cấp tỉnh ở ĐVHC cấp tỉnh mới.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, ủy viên UBND cấp xã ở ĐVHC cấp xã mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.

Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung quy định chỉ định nhân sự lãnh đạo địa phương như trên là để phù hợp với Kết luận 150/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 41 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trường hợp nhiều ĐVHC nhập thành một ĐVHC mới cùng cấp thì đại biểu HĐND của các ĐVHC cũ được hợp thành HĐND của ĐVHC mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ (trừ trường hợp ĐVHC mới không tổ chức cấp chính quyền địa phương).

Kỳ họp thứ nhất của HĐND ở ĐVHC mới do một triệu tập viên được Thường trực HĐND cấp trên trực tiếp chỉ định trong số đại biểu HĐND của ĐVHC mới.

“Đối với cấp tỉnh thì sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi HĐND bầu ra chủ tịch HĐND của ĐVHC mới” – quy định hiện nay nêu rõ.

HĐND của ĐVHC mới bầu các chức danh của HĐND, UBND theo quy định và hoạt động cho đến khi HĐND khóa mới được bầu ra.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp 9, khai mạc vào ngày 5-5 tới.

Theo Nghị quyết 60 của Trung ương 11 khóa XIII, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành mới sau sáp nhập. 52 địa phương sẽ thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh để hình thành 23 tỉnh, thành mới; trong đó có bốn TP là Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

11 địa phương không thực hiện sắp xếp là TP Hà Nội, TP Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/lanh-dao-chinh-quyen-cap-tinh-cap-xa-se-duoc-chi-dinh-sau-khi-sap-nhap-post847719.html