Lãnh đạo cực hữu Le Pen của Pháp ra tòa, phủ nhận cáo buộc biển thủ tiền của EU

Lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen phủ nhận vi phạm bất kỳ quy định nào khi bà và Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) của bà cùng hai chục đảng khác ra hầu tòa hôm 30/9 với cáo buộc biển thủ quỹ của Nghị viện châu Âu.

Khi đến phòng xử án Paris, bà Le Pen và các thành viên khác của Đảng Tập hợp Quốc gia chào hỏi nhau một cách thoải mái trước khi lắng nghe cẩn thận những phát biểu sơ bộ của nhiều luật sư.

Bà Le Pen nói với các phóng viên rằng bà tự tin vì "không vi phạm bất kỳ quy tắc chính trị và quy định nào của Nghị viện châu Âu". Bà cam kết sẽ trình bày với các thẩm phán "những lập luận cực kỳ nghiêm túc và cực kỳ vững chắc".

Bà cũng cho biết bà dự định sẽ tham dự phiên tòa "nhiều nhất có thể" vì bà muốn bảo vệ "quyền tự do" của các thành viên quốc hội trong việc sử dụng các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 27 tháng 11.

 Lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen phát biểu với giới truyền thông khi đến tòa án ở Paris vào ngày 30/9. Ảnh: AP

Lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen phát biểu với giới truyền thông khi đến tòa án ở Paris vào ngày 30/9. Ảnh: AP

Các thủ tục tố tụng bắt nguồn từ cảnh báo năm 2015 do ông Martin Schulz, khi đó là Chủ tịch Nghị viện châu Âu, đưa ra cho chính quyền Pháp về việc các thành viên RN có khả năng gian lận tiền quỹ châu Âu. Ông Schulz cũng chuyển vụ việc đến Văn phòng Chống gian lận châu Âu, nơi đã tiến hành một cuộc điều tra riêng về vấn đề này.

Một cuộc điều tra sau đó phát hiện ra rằng một số trợ lý đã ký hợp đồng với các Nghị sĩ châu Âu khác chứ không phải với những người mà họ thực sự làm việc cùng, cho thấy có âm mưu chuyển hướng các quỹ của châu Âu để trả lương cho các nhân viên đảng tại Pháp.

Các thẩm phán điều tra kết luận rằng bà Le Pen, với tư cách là lãnh đạo đảng, đã chỉ đạo việc phân bổ ngân sách hỗ trợ của quốc hội và chỉ thị cho các thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) thuê những cá nhân nắm giữ các vị trí của đảng. Những cá nhân này được giới thiệu là trợ lý quốc hội EU, nhưng trên thực tế, bị cáo buộc làm việc cho RN ở nhiều chức vụ khác nhau.

Nhóm luật sư của Nghị viện châu Âu đang tìm kiếm khoản bồi thường 2,7 triệu euro cho các thiệt hại về tài chính và danh tiếng. Con số này tương ứng với 3,7 triệu euro bị cáo buộc lừa đảo thông qua chương trình này.

Trong cuộc bầu cử châu Âu năm 2014, RN đã giành được kỷ lục 24 ghế MEP, đứng đầu với 24,8% số phiếu bầu. Sự gia tăng này đã mang lại khoản lợi nhuận tài chính đáng kể cho đảng, vốn đang phải đối mặt với các vấn đề tài chính nghiêm trọng vào thời điểm đó.

Cuộc kiểm toán từ năm 2013 đến năm 2016 cho thấy đảng đã thâm hụt 9,1 triệu euro vào cuối năm 2016. Vào thời điểm đó, đảng này cũng nợ một ngân hàng Nga số tiền 9,4 triệu euro, một khoản vay được thực hiện vào năm 2014 với số tiền 6 triệu euro.

Nếu bị kết tội, bà Le Pen và những người đồng phạm có thể phải đối mặt với mức án lên đến 10 năm tù và số tiền phạt lên đến 1 triệu euro mỗi người. Các hình phạt bổ sung, chẳng hạn như mất quyền công dân hoặc không đủ điều kiện để ứng cử, cũng có thể được áp dụng.

Điều này có thể cản trở hoặc thậm chí hủy bỏ mục tiêu của bà Le Pen là cuộc chạy đua tranh cử tổng thống tiếp theo sau khi nhiệm kỳ của Tổng thống Macron kết thúc. Bà Le Pen là người về nhì sau ông Macron trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 và 2022.

Bà giữ chức chủ tịch đảng từ năm 2011 đến năm 2021 và hiện là người đứng đầu nhóm các nhà lập pháp RN tại Quốc hội Pháp.

Ngọc Ánh (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lanh-dao-cuc-huu-le-pen-cua-phap-ra-toa-phu-nhan-cao-buoc-bien-thu-tien-cua-eu-post314735.html