Lãnh đạo không nhận, ai dám biếu quà Tết?
Việc phát hiện hay kiểm tra tặng quà Tết trái quy định rất khó, không dễ gì phân biệt được quà tặng vì tình cảm hay quà tặng vì mục đích khác.
Nhiều năm trở lại đây, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt rất nghiêm khắc tinh thần cấm tặng quà Tết cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới.
Năm nay, ngay từ giữa tháng 11, Ban Bí thư cũng đã có chỉ thị về việc tổ chức Tết Quý Mão, trong đó tiếp tục yêu cầu không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
Việc Trung ương ra chỉ đạo quán triệt tinh thần cấm tặng quà Tết, cấm cấp dưới đi Tết cấp trên, địa phương đi Tết Trung ương đã có những kết quả đáng ghi nhận. Như chúng ta đã thấy, vài năm nay, đã không còn tình trạng cứ gần Tết là xe biển xanh của các địa phương rầm rập kéo về Hà Nội.
Đây cũng là chỉ đạo có ý nghĩa rất lớn, bởi nó giải tỏa được tâm lý nặng nề cho cấp dưới. Trước đây, có lệ cứ đến Tết là tặng quà, biếu xén như một “nghĩa vụ”, nếu không biếu xén lại lo sợ cấp trên “để ý”. Nhiều người lo sợ và coi đây như “gánh nặng”, nhưng vì đã thành nếp nên vẫn phải theo.
Người Việt Nam vốn trọng tình nghĩa, mỗi dịp Tết đến vẫn thường tặng quà nhau thể hiện tình cảm. Việc tặng nhau món quà nhỏ dịp đầu xuân năm mới là phong tục tốt đẹp, không có gì xấu.
Tuy nhiên, làm thế nào để phong tục này không bị biến tướng, lợi dụng biếu xén cấp trên với những động cơ không trong sáng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Chưa kể, nếu có động cơ xấu, không cần chờ đến dịp Tết, người ta có thể tặng quà bất cứ khi nào.
Về hình thức, rất khó nhận biết, vì làm sao có thể biết ai đó đưa cho cấp trên những gì, vào lúc nào? Người ta có thể tặng cành đào, chậu lan, nhưng cùng với đó chuyển khoản cả trăm triệu đồng thì ai có thể biết?
Nhưng dù gì đi nữa, tặng quà vì tình cảm hay vì động cơ cá nhân thì người được tặng sẽ nhận ra ngay. Bởi, họ thừa biết nếu có người tặng mình cả trăm triệu đồng thì không thể vì tình cảm mà tặng số tiền lớn như vậy được.
Chúng ta phải thừa nhận, việc phát hiện hay kiểm tra tặng quà Tết trái quy định rất khó, bởi không dễ gì phân biệt được quà tặng vì tình cảm hay quà tặng vì mục đích khác. Việc giám sát và xử lý không thể đem lại hiệu quả triệt để nên quan trọng nhất là phải ngăn chặn thông qua việc tuyên truyền, nêu gương của chính những người đứng đầu.
Quan trọng nhất vẫn là phẩm chất và bản lĩnh của người đứng đầu, vì người đứng đầu nghiêm khắc, kiên quyết không nhận thì không cấp dưới nào dám tặng. Nói cách khác, ý thức tự giác của cán bộ là điều quyết định.
Song cũng cần nhắc lại, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa chuyện biếu, tặng quà Tết giá trị lớn nhằm mục đích hối lộ trá hình với việc tặng quà, chúc Tết vì tình cảm trong sáng, không nên cực đoan đến mức nghĩ rằng dù Tết đến thì không cần chúc gì nhau.
TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lanh-dao-khong-nhan-ai-dam-bieu-qua-tet-d577368.html