Lãnh đạo KienlongBank: 'Dòng tiền âm không ảnh hưởng đến thanh khoản'

Lãnh đạo KienlongBank khẳng định dòng tiền âm trong năm 2024 không ảnh hưởng thanh khoản, mà phản ánh chiến lược mở rộng tín dụng hiệu quả. Ngân hàng đặt mục tiêu niêm yết KLB trên HoSE trong quý 4/2025 và tăng mạnh vốn điều lệ.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại KienlongBank. Ảnh: Thu Trang

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại KienlongBank. Ảnh: Thu Trang

Sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, mã CK: KLB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Đại hội ghi nhận 69 cổ đông tham dự và ủy quyền, đại diện cho gần 335 triệu cổ phiếu – tương đương 92,62% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành theo quy định.

Đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025

Tại đại hội, ông Trần Hồng Minh - Quyền Tổng giám đốc KienlongBank đã trình bày kết quả kinh doanh nổi bật trong năm 2024. Theo đó, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 1.112 tỷ đồng, tăng trưởng 54,75% so với năm 2023 và hoàn thành 139% kế hoạch đề ra.

Tổng dư nợ tín dụng tại nhà băng tính đến cuối năm đạt 61.432 tỷ đồng, tăng 16,84%, trong khi tổng vốn huy động đạt 82.575 tỷ đồng, tăng 5,22% so với cùng kỳ.

Trên nền tảng đó, KienlongBank đặt mục tiêu năm 2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với lợi nhuận trước thuế đạt 1.379 tỷ đồng, tương đương mức tăng 24%. Các chỉ tiêu khác như dư nợ tín dụng, tổng huy động và tổng tài sản dự kiến lần lượt đạt 71.000 tỷ, 93.000 tỷ và 102.000 tỷ đồng.

"Để hiện thực hóa kế hoạch này, KienlongBank sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, đẩy mạnh công nghệ, kiểm soát nội bộ và phát triển các sản phẩm phi tín dụng, hướng vào lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát rủi ro chặt chẽ," ông Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về động lực chính để đạt được kết quả vượt kế hoạch trong năm 2024 và yếu tố duy trì cho năm nay, ông Minh cho biết, lợi nhuận vượt kế hoạch là dấu mốc quan trọng của KienlongBank. Động lực chính đến từ thu nhập lãi thuần đạt 3.191 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước - đây là mức tăng mạnh trong bối cảnh ngành ngân hàng cạnh tranh gay gắt.

Ngoài ra, thu nhập từ phí dịch vụ và các hoạt động phi tín dụng khác đạt 746 tỷ đồng, đóng góp gần 20% tổng thu nhập thuần. Điều này cho thấy KienlongBank đang dần chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng bền vững, không phụ thuộc hoàn toàn vào tín dụng.

"Từ kết quả năm 2024, chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào mục tiêu năm 2025, dù hành trình phía trước đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn," ông Minh nói thêm. Ông cũng cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng sớm, tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong đó có KienlongBank chủ động triển khai hoạt động kinh doanh.

Báo cáo cập nhật tại đại hội cũng cho thấy kết quả kinh doanh quý 1/2025 của KienlongBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 356 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2024 (214 tỷ đồng).

Theo ông Trần Hồng Minh, các yếu tố hỗ trợ chính bao gồm: giảm chi phí đầu vào nhờ cắt giảm lãi suất huy động, giảm chi phí hoạt động so với năm trước, cùng với tăng trưởng tín dụng và thu nhập dịch vụ đóng góp khoảng 18 - 20% vào cơ cấu lợi nhuận.

"Với kết quả quý 1/2025 và các chính sách điều hành đang triển khai, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 1.379 tỷ đồng trong năm 2025 nếu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng này trong các quý tiếp theo," ông Minh khẳng định.

Quyền Tổng giám đốc KienlongBank Trần Hồng Minh. Ảnh: Thu Trang

Quyền Tổng giám đốc KienlongBank Trần Hồng Minh. Ảnh: Thu Trang

Dòng tiền âm không ảnh hưởng đến thanh khoản

Tại đại hội, một cổ đông đã đặt câu hỏi về dòng tiền âm trong báo cáo tài chính năm 2024, liệu điều này có ảnh hưởng đến thanh khoản và hoạt động thanh toán của ngân hàng hay không?

Trả lời vấn đề này, quyền tổng giám đốc KienlongBank khẳng định: "Ngân hàng hoàn toàn tuân thủ các chỉ tiêu an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 12,3%, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đạt 18,3% - đều vượt mức yêu cầu."

Ông giải thích thêm, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm là hiện tượng thường gặp khi ngân hàng mở rộng quy mô nhanh, đặc biệt khi đẩy mạnh cấp tín dụng. Năm 2024, KienlongBank đã tăng trưởng tín dụng trên 9.600 tỷ đồng, đồng thời tái cơ cấu lại nguồn huy động để giảm chi phí lãi suất, chuyển hướng từ thị trường 2 sang thị trường một.

"Dòng tiền âm không ảnh hưởng tới an toàn hoạt động mà còn cho thấy việc sử dụng vốn hiệu quả, giúp ngân hàng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra," ông Minh nhấn mạnh.

Đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu KLB trên HoSE trong quý 4/2025

Một trong những nội dung được KienlongBank trình cổ đông tại đại hội năm nay là kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán, chính thức đưa mã cổ phiếu KLB lên sàn sau thời gian dài giao dịch trên UPCoM.

Hiện tại, cổ phiếu KienlongBank đã được đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đang giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trên thị trường UPCoM. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng, việc niêm yết chính thức trên sàn là bước đi quan trọng nhằm khẳng định sự minh bạch trong hoạt động, phù hợp với vai trò của một công ty đại chúng có quy mô lớn. Đồng thời, niêm yết sẽ góp phần nâng cao năng lực hoạt động, tăng tính cạnh tranh và khả năng tiếp cận vốn của ngân hàng.

Trả lời chất vấn của cổ đông về lộ trình niêm yết, ông Trần Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT KienlongBank cho biết: "Nếu được ĐHĐCĐ chấp thuận, chúng tôi sẽ khẩn trương triển khai các bước thủ tục theo quy định, với quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu trong quý 4/2025," ông Minh nói.

Liên quan đến phương án phân phối lợi nhuận và kế hoạch tăng vốn điều lệ, HĐQT ngân hàng đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% từ nguồn lợi nhuận giữ lại (1.807 tỷ đồng). Ước tính số cổ phần phát hành là hơn 180 triệu cổ phiếu.

Cùng với đó, chào bán một lượng cổ phiếu tương đương cho cổ đông hiện hữu, thời gian dự kiến trong năm 2025 - 2026. Giá bán dự kiến 10.000 đồng/cp hoặc giá khác cao hơn do HĐQT quyết định.

Vốn điều lệ sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ dự kiến trong năm 2025 tối đa là 7.268 tỷ đồng.

Toàn bộ số vốn thu về sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh của KienlongBank (1.750 tỷ) và đầu tư tài sản cổ định, hệ thống công nghệ,.... (57,4 tỷ đồng).

"Tại đại hội, HĐQT đã trình phương án tăng vốn điều lệ thông qua hai hình thức: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 50% và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%. Trường hợp được cổ đông thông qua và cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, chúng tôi sẽ tiến hành ngay các thủ tục cần thiết để hoàn tất trong năm 2025, dự kiến vào quý 4," ông Minh chia sẻ.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lanh-dao-kienlongbank-dong-tien-am-khong-anh-huong-den-thanh-khoan-40828.html