Lãnh đạo ngành du lịch, giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh giải đáp rõ nhiều vấn đề trọng tâm, trọng điểm
Sáng 11-7, kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X tiếp tục ngày thứ 2 với phần chất vấn một số lãnh đạo cấp sở, quận đã diễn ra sôi nổi, đi sát các vấn đề nóng trong lĩnh vực du lịch, hạ tầng giao thông, hạ tầng, đầu tư công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Du lịch, Chủ tịch UBND quận 1 đã trả lời những vấn đề mà các đại biểu đặt ra, thông tin hoạt động ngành, công tác lãnh đạo điều hành ở lĩnh vực liên quan. Ở lĩnh vực du lịch, các đại biểu đã đặt các câu hỏi liên quan đến hoạt động xúc tiến du lịch, các giải pháp, chương trình để phát triển du lịch bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; khai thác hiệu quả tuyến du lịch khám phá Sài Gòn, du lịch gắn với văn hóa....
Đồng chí Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh thông tin, 6 tháng đầu năm 2023, khách du lịch quốc tế tăng 306% so với cùng kỳ (nhưng chỉ bằng 50% so với năm 2019); thu hút hơn 16 triệu khách nội địa (tăng 48%), doanh thu đạt hơn 48.000 tỷ đồng. Ngành du lịch đã triển khai các chương trình du lịch phục hồi sau dịch hiệu quả. Nổi bật là Chương trình “TP Hồ Chí Minh chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City” gắn với mỗi quận, huyện phát triển một sản phẩm du lịch đặc trưng (OCOP), đáp ứng được du lịch tại chỗ và phát huy du lịch nội địa đã tạo sự thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương.
Đồng chí Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã trả lời câu hỏi của các đại biểu về những giải pháp cụ thể để phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch, quảng bá, truyền thông sản phẩm du lịch đến các địa phương trong nước và quốc tế. Sắp tới, ngành du lịch thành phố sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng lợi thế của du lịch đường thủy, phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch; tiếp tục phát triển các sản phẩm gắn với văn hóa, tăng tính trải nghiệm cho du khách cũng như phát triển các ứng dụng để tăng cường quản lý dữ liệu số, quảng bá xúc tiến các sản phẩm du lịch văn hóa; chủ động phát triển các sản phẩm lưu trú có thời hạn dài ngày để đón khách quốc tế...
Thông tin hoạt động ngành giao thông vận tải và trả lời chất vấn của các đại biểu, đồng chí Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết số 98/2023/QH15 vừa được Quốc hội thông qua đã tạo nhiều cơ chế, chính sách để thành phố phát triển các dự án hạ tầng giao thông. Đặc biệt các dự án Metro, Vành đai 3 và nhiều dự án trọng điểm khác được ngành giao thông tập trung triển khai nhanh, đảm bảo về tiến độ, chất lượng, an toàn... Giao thông công cộng cũng sẽ được đẩy mạnh, gắn với các hình thức đầu tư PPP, phát triển giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) để khai thác hiệu quả các quỹ đất dọc các dự án, tạo nguồn lực đầu tư phát triển như tại dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, các tuyến metro, đường vành đai 3…
Đồng chí Trần Quang Lâm cũng thừa nhận triển khai thực hiện quy hoạch giao giao thông còn chậm, nguyên nhân là do thiếu nguồn lực, hiện chỉ đáp ứng được 30% nguồn vốn cho các dự án; giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn chậm. Thành phố đang rút kinh nghiệm, nghiên cứu cách làm hay, sáng tạo từ dự án điển hình triển khai thành công trong giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 để nhân rộng sang các dự án khác. Đồng chí Trần Quang Lâm cũng nêu rõ một số quyết tâm, giải pháp để khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát huy tiềm năng kênh rạch của TP Hồ Chí Minh; mở rộng khu vực đậu đỗ xe ở trung tâm, nâng cấp các hình thức thu phí để giám sát việc thu phí đậu đỗ xe ô tô....