Lãnh đạo Nhật - Hàn tái lập 'ngoại giao con thoi' như thế nào?
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 9/5 tái khẳng định, cam kết thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản tiến xa hơn nữa, sau chuyến công du đến Hàn Quốc đưa 'ngoại giao con thoi' trở lại của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
12 năm và chưa đầy 2 tháng
Tuyên bố này được nhà lãnh đạo Hàn Quốc đưa ra tại cuộc họp nội các hậu hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Seoul diễn ra ngày 7/5 vừa qua, Yonhap ngày 9/5 đưa tin, nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Hàn Quốc bày tỏ tin tưởng quan hệ với Nhật Bản sẽ còn tiếp tục nồng ấm hơn nữa.
Trên thực tế, chuyến công du Hàn Quốc của ông Kishida diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương Hàn-Nhật đã tăng nhiệt đáng kể sau quyết định hồi tháng 3 của chính phủ Hàn Quốc về việc giải quyết bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị Nhật Bản cưỡng bức lao động trong thời chiến mà không có sự đóng góp của các công ty Nhật Bản.
Chuyến thăm Hàn Quốc trong 2 ngày 7 và 8/5 của ông Kishida cũng là chuyến thăm song phương đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản sau 12 năm, đánh dấu việc hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ song phương vốn bị đình trệ lâu nay do các bất đồng về vấn đề quá khứ lịch sử và cũng là để thực hiện thỏa thuận đã thông qua tại hội nghị hồi tháng 3.
Yonhap nhận định, hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo hôm 7/5 đã nêu bật sự trở lại của “ngoại giao con thoi” - với việc các nhà lãnh đạo tổ chức các chuyến công du thường xuyên tới các quốc gia của nhau.
Mặc dù cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng có cuộc gặp với cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul trước lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018, nhưng giới quan sát đánh giá chuyến đi hai ngày của ông Kishida mới là tín hiệu cụ thể đầu tiên cho thấy “ngoại giao con thoi” đã được thiết lập lại.
Hoạt động này đã bị dừng lại kể từ khi Thủ tướng Yoshihiko Noda đến thăm Seoul vào tháng 10/2011.
“Phải mất 12 năm để nối lại hoạt động ngoại giao con thoi, nhưng chỉ mất chưa đầy hai tháng để hai chúng tôi có thể qua lại thường xuyên", ông Yoon nói trước thềm thượng đỉnh. “Tôi tin đây là sự xác nhận rằng mối quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản mới được khởi động lại đang tăng tốc và tiếp tục tiến về phía trước", ông nhấn mạnh.
Xu hướng mới trong quan hệ Nhật - Hàn?
"Những điều thậm chí không thể tưởng tượng được cho đến gần đây đang xảy ra giữa Hàn Quốc và Nhật Bản", Tổng thống Yoon Suk-yeol phát biểu ngày 9/5, trích dẫn việc Nhật Bản cho phép phái đoàn thanh tra Hàn Quốc đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào ngày 23/5 để kiểm tra mức độ an toàn của nước thải phóng xạ trước khi được xả ra biển.
"Nếu Hàn Quốc và Nhật Bản, hai bên cùng chia sẻ các giá trị của một nền dân chủ tự do, có sự trao đổi với nhau, hợp tác và xây dựng lòng tin, thì mối quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản sẽ có thể phát triển một tương lai mới vượt lên trên giai đoạn sơ khai trong quá khứ", ông nói.
Những tuyên bố này tương đồng với nhận định mà nhà lãnh đạo Hàn Quốc đưa ra trước thềm cuộc gặp, rằng "nên loại bỏ quan điểm Hàn Quốc và Nhật Bản không thể tiến lên dù chỉ một bước trừ khi các vấn đề lịch sử được giải quyết hoàn toàn", và rằng dù việc tạo ra thay đổi ngay từ đầu là rất khó khăn, nhưng “một khi nó được tạo ra, nó thường trở thành một xu hướng".
“Tôi tin rằng xu hướng hiện tại trong quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản chính là một trường hợp như vậy", ông Yoon bày tỏ.
Một trong những điểm nhấn của chuyến công du chính là phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida: “Trái tim tôi đau nhói, vì nhiều người đã trải qua những trải nghiệm rất khó khăn và buồn bã trong môi trường khắc nghiệt vào thời điểm đó", ông nhắc tới vấn đề nạn nhân bị cưỡng bức lao động, từ đó nhấn mạnh “nhiệm vụ của Thủ tướng Nhật Bản” là hợp tác với Hàn Quốc để hồi sinh các mối quan hệ.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Kishida công khai bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề tế nhị, vốn là trung tâm của sự thù hận lịch sử lâu đời giữa hai nước láng giềng. Nhận xét của ông, được đăng trên trang nhất của các tờ báo lớn của Nhật Bản hôm 8/5, cho thấy sự sẵn sàng và nỗ lực mạnh mẽ của lãnh đạo Nhật Bản để hàn gắn mối quan hệ song phương.
"Nếu không bỏ qua lịch sử của quá khứ đen tối và tiếp cận nó một cách chân thành, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có thể vượt qua những khó khăn dễ gặp phải và mở ra một tương lai mới", Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong một phát biểu sau đó nhấn mạnh.
Hy vọng vào sự thay đổi cùng có lợi
“Hy vọng từ cả hai nhà lãnh đạo là sự tan băng này sẽ gắn liền với quan hệ song phương,” Robert Ward, phụ trách Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định, đồng thời lưu ý rằng môi trường bên ngoài của Đông Á “đã hoàn toàn thay đổi kể từ năm 2018".
Quan hệ Nhật-Hàn đã xuống cấp nghiêm trọng dưới thời cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in do những tranh cãi liên quan đến vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.
Ông nói thêm: “Các mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc ngày càng gia tăng, và tình hình chiến sự tại Ukraine đã làm nổi bật sự mong manh của trật tự dựa trên luật lệ mà cả hai bên đều phụ thuộc. Do đó, sự hồi sinh trong hợp tác giữa hai nước là nền tảng quan trọng cho sự ổn định trong khu vực".
Shihoko Goto, Phó Giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm tư vấn Wilson Center có trụ sở tại Washington lại cho rằng: “Khi các cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trở nên thường xuyên và theo thông lệ, công chúng sẽ ít chú ý hơn và dự đoán rằng sự phản đối của công chúng cũng sẽ yếu đi, đặc biệt là khi cả hai đang giải quyết các thách thức kinh tế và an ninh quan trọng chung".
Cho đến nay, hai nhà lãnh đạo dường như đã rút ra bài học từ những sai lầm trong quá khứ và cẩn thận tránh đụng chạm đến các chủ đề nhạy cảm hơn, bao gồm tranh chấp lãnh thổ và vấn đề phụ nữ mua vui, đồng thời đề cao các cuộc gặp cấp cao là các hành động xây dựng lòng tin, theo Japan Times.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản tuần trước cũng cho biết chuyến thăm của ông sẽ là cơ hội “thêm đà” cho việc hồi sinh chính sách ngoại giao con thoi. Đối với ông Kishida, việc nối lại ngoại giao con thoi và cải thiện quan hệ với Seoul là bước tiến mới nhất trong một loạt thắng lợi ngoại giao trong những tháng gần đây giúp nâng cao tỷ lệ ủng hộ của ông.