Lãnh đạo phải nêu gương từ việc lớn đến việc nhỏ
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết hai năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu, làm tốt trách nhiệm nêu gương từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc sử dụng xe công, tổ chức việc cưới, việc tang, tham dự lễ hội.
Học và làm theo Bác đã dần thành ý thức tự giác
Ngày 16/5, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết hai năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước.
Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo T.Ư, trong 2 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã và đang đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp ủy, địa phương cũng tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của từng tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương. “Có thể khẳng định, việc học tập và làm theo Bác đã dần dần trở thành thường xuyên, thành thói quen, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và nhiều người dân trong cả nước, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng cấp, từng địa phương, đơn vị”, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, trong việc thực hiện Chỉ thị 05 vẫn còn tình trạng làm qua loa, đối phó, chưa thực sự cầu thị, bệnh “hình thức” ở nhiều nơi. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên nắm giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước còn thiếu tự giác, chưa thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không gương mẫu trong công tác và trong sinh hoạt, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm trên được Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chỉ ra là, một số cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa thực sự quyết tâm, sát sao, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tính quyết liệt, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu chưa có nhiều chuyển biến. Công tác kiểm tra, đánh giá việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong của cán bộ, đảng viên còn chưa thường xuyên; chưa phát huy hết vai trò của mặt trận và nhân dân.
Kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên sai phạm, tham nhũng
Để khắc phục những hạn chế trên, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực, lâu dài của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, hoạt động của các thế lực thù địch, chống phá chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi xấu, hạ thấp uy tín lãnh tụ.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị từ nay đến dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ, cần tập trung làm tốt, có hiệu quả 2 nội dung là phát động phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng của Bác trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân; đồng thời tạo nên phong trào trong toàn xã hội về tình thương yêu đồng bào, đồng chí theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam dù ở bất kỳ hoàn cảnh, môi trường làm việc nào, thì mọi hành vi ứng xử phải có nghĩa, có tình, giải quyết công việc phải xuất phát từ nền tảng tình yêu thương con người, làm điều thiện, tránh điều ác”, ông Vượng nói.
Theo ông Trần Quốc Vượng, tầm vóc của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào diện tích và dân số, mà chính là tầm vóc văn hóa của đất nước đó. “Hơn lúc nào hết, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là bài học, là sức mạnh, tinh thần to lớn của dân tộc ta trên con đường phát triển”, ông Vượng đúc kết. Đặc biệt, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu người đứng đầu các cấp ngành cần phát huy vai trò của người đứng đầu, làm trách nhiệm nêu gương. “Việc nêu gương phải cụ thể, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc sử dụng xe công, tổ chức việc cưới, việc tang, tham dự lễ hội… đến việc nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, ‘tận trung với nước, tận hiếu với dân’ của cán bộ, đảng viên”, Thường trực Ban Bí thư nói.
Theo Thường trực Ban Bí thư, để học tập và làm theo Bác trở thành ý thức tự giác, thói quen, đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên trong từng suy nghĩ, hành động đều phải đặt mình vào vị trí là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân như Bác Hồ đã dạy. “Thường xuyên ý thức bảo đảm quyền lợi nhân dân, lợi ích của đất nước; việc có lợi cho dân, cho nước thì khó mấy cũng phải làm, ngược lại, việc có hại cho dân, cho nước phải cương quyết tránh”, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh và yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị, chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, làm lướt hoặc thiếu quan tâm, triển khai một cách hình thức. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với những cán bộ, đảng viên có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực.
Theo Thường trực Ban Bí thư, để học tập và làm theo Bác trở thành ý thức tự giác, thói quen, đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên trong từng suy nghĩ, hành động đều phải đặt mình vào vị trí là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân như Bác Hồ đã dạy.