Lãnh đạo Thừa Thiên - Huế lên tiếng vụ trồng tre tại danh thắng Kinh thành Huế

Sáng 28-5, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi Báo SGGP ngày 24-5 đăng tải thông tin 'Trồng tre chống sạt lở danh thắng nổi tiếng Kinh thành Huế', lãnh đạo tỉnh nhận được nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc triển khai trồng tre bên hồ Tịnh Tâm (dọc hai bên đường Lê Văn Hưu, TP Huế).

Theo đó, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, hứa sẽ xem xét trên tinh thần cầu thị để có chỉ đạo phù hợp. “Thực trạng xuống cấp của hồ Tịnh Tâm nhiều năm qua là nỗi đau của tất cả những người yêu Huế. Chỉnh trang, khôi phục hồ Tịnh Tâm nói riêng cũng như các hồ trong Kinh thành Huế nói chung là mong muốn của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, việc làm này cần có những nghiên cứu thấu đáo để đưa ra giải pháp khoa học, hợp lý. Trước mắt, đối với hồ Tịnh Tâm, tỉnh tập trung vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải và rác, chỉnh trang sơ bộ quanh hồ để giảm sự nhếch nhác. Việc trồng cây vừa qua là giải pháp tạm thời để gắn chỉnh trang sơ bộ với phục vụ lễ hội áo dài và các hoạt động Festival 2020”, ông Định nhấn mạnh.

Trồng tre chống sạt lở hồ Tịnh Tâm

Trồng tre chống sạt lở hồ Tịnh Tâm

Hồ Tịnh Tâm hình chữ nhật, chu vi gần 1.500m. Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, đều là những trung tâm điểm của các kiến trúc trong hồ. Nguyên xưa, hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn huy động 8.000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự Uyển của hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm. Tuy nhiên, trải qua thời gian và những tác động lịch sử, đến nay hồ Tĩnh Tâm (từng là danh thắng đẹp, nổi tiếng Kinh thành Huế) đã trở thành phế tích.

VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lanh-dao-thua-thien-hue-len-tieng-vu-trong-tre-tai-danh-thang-kinh-thanh-hue-664729.html