Lãnh đạo Trung Quốc-Ấn Độ thực hiện 'cuộc trò chuyện không chính thức', đồng ý một việc liên quan vấn đề biên giới
Thủ tướng Modi bày tỏ quan ngại về các vấn đề chưa được giải quyết tại khu vực biên giới Ấn Độ-Trung Quốc.
Ngày 25/8, Trung Quốc khẳng định đã diễn ra “cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu rộng" về tình hình biên giới và quan hệ Trung-Ấn giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg (Nam Phi) hôm 23/8.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định, cuộc trò chuyện trên diễn ra theo yêu cầu của Thủ tướng Ấn Độ Modi.
Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ đã nhanh chóng phủ nhận tuyên bố này, khẳng định chính Trung Quốc đã yêu cầu một cuộc gặp song phương. Các nguồn tin nói rõ đây không phải là cuộc gặp song phương thông thường mà là một "cuộc trò chuyện không chính thức".
Bắc Kinh tuyên bố Chủ tịch Tập Cận Bình đã khuyên Thủ tướng Modi rằng cả hai bên nên xử lý vấn đề biên giới một cách “thỏa đáng” nhưng đáng chú ý là không đề cập bất kỳ tiến triển nào hướng tới việc “nhanh chóng rút quân và giảm leo thang” của quân đội hai nước ở khu vực Ladakh.
Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vinay Mohan Kwatra tối 24/8 đã nói với các phóng viên ở Johannesburg rằng, sau cuộc trò chuyện, ông Modi và ông Tập Cận Bình đã “đồng ý chỉ đạo các quan chức liên quan tăng cường nỗ lực nhanh chóng rút quân và giảm leo thang” giữa quân đội hai nước ở khu vực Ladakh.
Các nguồn tin chính phủ Ấn Độ nêu rõ: “Có một yêu cầu từ phía Trung Quốc đang chờ để được xử lý về một cuộc gặp song phương. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trò chuyện thân mật tại Sảnh lãnh đạo trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS”.
Ngày 24/8, New Delhi đưa tin, trong cuộc trò chuyện, Thủ tướng Modi đã bày tỏ “mối quan ngại của Ấn Độ về các vấn đề chưa được giải quyết dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực phía Tây (Ladakh) của khu vực biên giới Ấn Độ-Trung Quốc”.
Đồng thời, ông Modi nhấn mạnh với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng, việc duy trì hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới và tôn trọng LAC là rất quan trọng để bình thường hóa mối quan hệ giữa hai quốc gia.