Lãnh đạo Trung Quốc dự lễ Nhậm chức ông Trump là ai?
Bắc Kinh đã có động thái hiếm hoi, cử một quan chức cấp cao tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Washington.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không đích thân tới tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Thông tin từ Bắc Kinh cho biết, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính dự kiến sẽ tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào hôm nay (20/1) sau khi gặp Phó Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức JD Vance vào Chủ nhật (19/1). Các nhà quan sát cho rằng, chuyến đi này là một hành động thiện chí quan trọng - nhưng có khả năng rủi ro - khi Bắc Kinh tìm cách tránh xung đột lớn với ông Donald Trump và nội các mới của ông - những người theo chủ nghĩa đối đầu với Trung Quốc.
Mặc dù ông Hàn Chính là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ, nhưng vị trí Phó chủ tịch của ông phần lớn chỉ mang tính biểu tượng trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Theo đánh giá của các nhà quan sát, việc cử một quan chức cấp cao - và là người trước đây đã đại diện cho Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại các sự kiện quốc tế, bao gồm lễ đăng quang của Vua Charles III của Anh – cho thấy sự quan tâm của Bắc Kinh trong việc cải thiện mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, ông Hàn Chính sẽ nhân chuyến thăm này để gặp gỡ các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả CEO Tesla Elon Musk - cộng sự thân cận của ông Trump. Ông Musk được cho là người có thiện cảm với Trung Quốc hơn những người khác trong bộ máy của ông Trump.
Tân Hoa Xã đưa tin, trong cuộc gặp với ông Musk, ông Hàn Chính đã kêu gọi các công ty Mỹ, bao gồm cả Tesla, thúc đẩy quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Tesla hiện đang vận hành nhà máy sản xuất lớn nhất bên ngoài Mỹ tại Thượng Hải.
Chuyến thăm của ông Hàn Chính tới Mỹ diễn ra sau cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Trump vào thứ Sáu tuần trước, trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chúc mừng ông Trump tái đắc cử và kêu gọi một sự khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước.
Ông Trump xác nhận trên nền tảng mạng xã hội Truth Social rằng, ông đã có cuộc điện đàm "rất tốt" với ông Tập Cận Bình và họ đã thảo luận về các chủ đề bao gồm thương mại, fentanyl và ứng dụng mạng xã hội TikTok do Trung Quốc sở hữu.
Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump hôm Chủ Nhật cũng cam kết, sẽ trì hoãn việc thực thi đạo luật cấm TikTok gây tranh cãi, được Tòa án Tối cao thông qua vào tuần trước. Ứng dụng TikTok – có số phận gắn chặt với những căng thẳng về công nghệ và an ninh quốc gia giữa Mỹ và Trung Quốc – đã ngừng hoạt động trong khoảng 12 giờ vào cuối tuần vừa rồi, sau đó khôi phục hoạt động sau tuyên bố của ông Trump.
Trong một tuyên bố vào hôm Chủ nhật, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump và ông Vance cho biết, ông Hàn Chính và ông Vance đã thảo luận về "một loạt chủ đề bao gồm fentanyl, cân bằng thương mại và ổn định khu vực" trong cuộc họp của họ.
Trong bản thông cáo về cuộc họp, Tân Hoa xã cho biết ông Hàn Chính nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để "thúc đẩy sự phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững của quan hệ Trung Quốc – Mỹ".
Ông Hàn Chính cũng thừa nhận “những khác biệt và xích mích” về kinh tế và thương mại, nhưng chỉ ra “lợi ích chung” và “không gian hợp tác” giữa hai nước, đồng thời kêu gọi hai bên tăng cường đối thoại và tham vấn.
Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự lễ nhậm chức là một động thái đặc biệt hiếm hoi, nhất là khi ông Donald Trump đang vận động nhằm tăng cường cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc và áp đặt mức thuế nặng nề đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ông Tập rất khó có thể tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ diễn ra trong hôm nay 20/1, do bối cảnh địa chính trị cũng như sự chuẩn bị lâu dài và chi tiết thường diễn ra trước bất kỳ chuyến công du nào của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Mối quan hệ Mỹ-Trung đã rạn nứt trong những năm gần đây, vì vô số vấn đề, cũng như những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao của Mỹ. Những yếu tố gây căng thẳng khó có thể sớm thay đổi, cho dù là ai ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, việc Trung Quốc thúc đẩy các mối quan hệ ít căng thẳng hơn là nhằm ổn định nền kinh tế đang phát triển chậm lại của mình, đồng thời tránh làm sâu sắc thêm cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ gây thiệt hại với đối tác thương mại hàng đầu.
Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết việc cử Phó chủ tịch Hàn Chính đến dự lễ nhậm chức sẽ gửi đi thông điệp: “Trung Quốc coi trọng lời mời của ông Trump và sẵn sàng chấp nhận rủi ro”. Rủi ro đó là việc ông Trump áp thuế đối với Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi vào Nhà Trắng.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã đe dọa đánh thuế lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Bắc Kinh không đơn độc đối mặt với những mối đe dọa kinh tế như vậy. Một loạt các nhà lãnh đạo thế giới và đại diện của họ đã sắp xếp tổ chức các cuộc gặp trong những tháng gần đây để bắt đầu xây dựng mối quan hệ với ông Trump, người được biết đến là người gắn kết chính sách đối ngoại với quan hệ cá nhân.