Lãnh đạo trung tâm đăng kiểm cần phải có trình độ

Các ý kiến cho rằng hoạt động đăng kiểm liên quan trực tiếp đến an toàn giao thông nên người đứng đầu phải có trình độ văn hóa và hiểu biết nhất định.

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3-1, Bộ Công an cho biết một giám đốc trung tâm đăng kiểm (TTĐK) ô tô ở TP.HCM mới học hết lớp 3 và không biết đọc, không biết viết. Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ và đặt câu hỏi về tiêu chuẩn công nhận người đứng đầu tại các TTĐK ô tô.

Vì sao chỉ học hết lớp 3 vẫn làm giám đốc?

Sáng 4-1, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), cho biết trường hợp trên được xác định là ông Hồ Hữu Tài, giám đốc TTĐK 50-17D Nhà Bè (TP.HCM). Ông Tài hiện diện với vai trò quản lý tài chính, quán xuyến các tài sản của chủ đầu tư. Theo Nghị định 139/2018 của Chính phủ (về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới) thì ông Tài không phải đăng kiểm viên nên không thuộc đối tượng quản lý của Cục ĐKVN.

Trung tâm đăng kiểm 50-17D ở Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: CACC

Trung tâm đăng kiểm 50-17D ở Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: CACC

Theo ông An, người dân được phép mở TTĐK xe cơ giới theo Luật Doanh nghiệp. Sau khi nhận được yêu cầu của doanh nghiệp, Cục ĐKVN sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, con người (đăng kiểm viên)… Nếu đủ điều kiện, TTĐK được phép hoạt động. “Trên thực tế, có trung tâm có phó giám đốc phụ trách là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện, tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định” - ông An cho hay.

Theo ông An, một người muốn trở thành đăng kiểm viên phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành, được đào tạo nghiệp vụ đăng kiểm viên, thực hành và đánh giá thực tế rồi qua thi cử mới được cấp chứng chỉ nên không có chuyện đăng kiểm viên là người “mù chữ”.

Theo tìm hiểu của PV, TTĐK 50-17D là đơn vị xã hội hóa với pháp nhân là Công ty An Phát. Ông Trần Thanh Vinh là phó giám đốc trung tâm, là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận đăng kiểm.

Đã khởi tố 43 bị can tại 12 trung tâm đăng kiểm

Tính đến thời điểm này, Công an TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan khởi tố 43 bị can tại 12 TTĐK phía Nam gồm: Năm trung tâm do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc tại các tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang và bảy TTĐK tại TP.HCM. Công an cũng khám xét Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục ĐKVN) tại Hà Nội để làm rõ về trách nhiệm, có hay không việc tiếp tay cho sai phạm này. T.SANG

Phải sửa quy định hiện hành

Điều 24 Nghị định 139/2018 của Chính phủ quy định lãnh đạo đơn vị đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị đăng kiểm và ký giấy chứng nhận kiểm định. Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phải là đăng kiểm viên xe cơ giới, đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng, được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Theo quy định trên, Cục Đăng kiểm chỉ quản lý những lãnh đạo (giám đốc, các phó giám đốc) là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại các TTĐK. Những lãnh đạo khác không phải đăng kiểm viên, không chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và không ký giấy chứng nhận đăng kiểm thì Cục ĐKVN không quản lý.

Qua sự việc này, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục ĐKVN, thừa nhận có lỗ hổng trong quy định pháp luật và đề nghị các bộ phận liên quan rà soát để sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp. Bởi đăng kiểm là nghề kinh doanh đặc thù, có điều kiện, không giống các ngành nghề khác. “Sản phẩm họ kiểm định là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, liên quan trực tiếp đến an toàn giao thông, đến người điều khiển phương tiện. Do vậy hiểu biết, nhận thức của người đứng đầu TTĐK cần phải ở một mức độ nhất định…” - ông An nói.

Theo TS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, quy định tại Điều 24 Nghị định 139 cần phải điều chỉnh. Bởi đăng kiểm xe không phải là dịch vụ tự nguyện giữa người có xe với TTĐK. Đây là hoạt động bắt buộc, thể hiện qua mối quan hệ ba bên: Nhà nước (ban hành chế tài - nên buộc phải đăng kiểm, nếu không sẽ bị phạt), chủ xe và TTĐK.

Vì vậy, tổ chức và hoạt động của đơn vị đăng kiểm không phải là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bình thuờng, mà phải là loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện nên cần quy định cụ thể hơn với cơ chế giám sát chặt chẽ.

Cụm từ “lãnh đạo đơn vị đăng kiểm” tại Điều 24 Nghị định 139 có thể tạo ra các cách hiểu khác nhau nhưng logic thì người đứng đầu đương nhiên là lãnh đạo. Vì vậy, để tránh những bất cập, cần thay cụm từ này bằng “người đứng đầu đơn vị đăng kiểm” thì sẽ chặt chẽ hơn.•

Dựng ông Tài làm giám đốc, không ký giấy tờ gì

Liên quan đến sai phạm tại TTĐK 50-17D, hiện Công an huyện Nhà Bè, TP.HCM đã khởi tố 10 người về các tội môi giới hối lộ, nhận hối lộ.

Theo kết quả điều tra ban đầu, lý do mà bị can Hồ Hữu Tài làm giám đốc là để khấu trừ khoản nợ mà bị can Nguyễn Thanh Phong nợ ông Tài. Bị can Phong là chủ tịch HĐQT Công ty An Phát, thành lập TTĐK 50-17D từ năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động bị đình trệ, dẫn đến nợ nần. Từ đó ông Phong mượn tiền của ông Tài (kinh doanh tự do, kiêm san lấp mặt bằng).

Khi bị bắt giữ, ông Tài không biết viết, không biết đọc và khai chỉ học tới lớp 3. Theo lời khai của bị can Tài, mọi hoạt động của trung tâm đều giao lại hết cho cấp dưới, việc ký giấy xác nhận đăng kiểm cũng do phó giám đốc phụ trách ký. Hai bị can có chủ trương cho phép các đăng kiểm viên bỏ qua lỗi vi phạm để nhận tiền hối lộ, kéo doanh thu về cho công ty. TỰ SANG

VIẾT LONG - MINH CHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lanh-dao-trung-tam-dang-kiem-can-phai-co-trinh-do-post715152.html