Lãnh đạo trường đại học kiến nghị giải pháp để đạt 30% CSGDĐH tư thục vào 2030
Cần tăng cường hợp tác và liên kết chặt chẽ giữa các trường tư thục với các trường công lập, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục cả trong nước lẫn quốc tế.
Một trong những mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) là: Đến năm 2030, cơ sở giáo dục tư thục và giáo dục tư thục không vì lợi nhuận chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo toàn quốc, giữ vai trò quan trọng trong đa dạng hóa dịch vụ giáo dục đại học, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người học và của thị trường lao động.
Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu trên, hiện nay, các cơ sở giáo dục tư thục vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo lãnh đạo một số nhà trường, song song với việc thực hiện mục tiêu, các trường phải đáp ứng chuẩn cơ sở giáo dục đại học (theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT), nhưng cần có lộ trình dài hơn để thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn này.
Cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể và có sự đầu tư bài bản, dài hạn
Theo Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, để phát triển hệ thống giáo dục tư thục song song với đáp ứng các yêu cầu về chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, yếu tố khó khăn nhất đối với các trường chính là giảng viên có trình độ cao.
Thầy Chung phân tích: “Các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn có thể liên kết với nhau để sử dụng chung cơ sở vật chất, vậy nên, vấn đề về “quỹ đất” hay cơ sở vật chất hiện nay không phải “bài toán” quá khó đối với các trường tư thục.
Tuy nhiên, trong đó, yếu tố con người mới là yếu tố quan trọng nhất. Bởi, số lượng sinh viên sẽ ngày một tăng lên, yêu cầu số lượng giảng viên có trình độ cao cũng phải tăng lên. Kể cả mời giáo viên, giảng viên là người nước ngoài, cũng phải đáp ứng những điều kiện theo quy định. Chẳng hạn, theo quy định, giảng viên phải có bằng thạc sĩ trở lên. Có một số cơ sở giáo dục mời giáo viên nước ngoài có trình độ cử nhân về dạy tiếng Anh là chưa đúng quy định; có những trường sử dụng đội ngũ này dưới cách gọi khác là trợ giảng, giảng viên hướng dẫn.
Trong khi đó, đối với yêu cầu tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, lại gặp nhiều khó khăn, bởi đào tạo tiến sĩ không phải câu chuyện dễ, đặc biệt là khi các quy định đang ngày càng “siết” chặt. Số lượng tiến sĩ được đào tạo ra hằng năm không đủ đáp ứng nhu cầu và sự phát triển lớn mạnh từ các trường đại học, chưa kể, còn liên quan đến độ tuổi lao động…”.
Để tháo gỡ những vấn đề trên, theo Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, các cơ sở giáo dục đại học cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể và có sự đầu tư bài bản, dài hạn.
Cụ thể, thầy Chung nhấn mạnh: “Các cơ sở giáo dục đại học buộc phải có chiến lược phát triển con người. Theo đó, các trường phải có lộ trình cụ thể, bài bản và phải dành riêng một nguồn kinh phí phục vụ đào tạo, phát triển đội ngũ. Chẳng hạn, khi giảng viên đã có trình độ thạc sĩ, nhà trường phải tạo điều kiện để họ đi học, nâng cao trình độ đào tạo để họ tiếp tục giảng dạy. Song song với việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ giảng viên, các cơ sở giáo dục đại học cũng phải xây dựng những cơ chế hấp dẫn, có thể thu hút chuyên gia, giảng viên có trình độ cao ở nước ngoài về nước để bổ sung cho đội ngũ của nhà trường”.

Sinh viên Trường Đại học Gia Định. Ảnh: website trường.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất đối với các cơ sở giáo dục tư thục là tiếp cận “quỹ đất” và kinh phí vận hành khi phần nhiều còn phải dựa vào nguồn thu từ học phí. Khi mở các trường mới, cần khai thông các “điểm nghẽn” về quy hoạch đất. Nếu quy hoạch đất cho giáo dục đại học lại nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng ven, ngoại đô thì rất khó thu hút được nhà đầu tư tham gia mở trường, vì khó tuyển sinh người học.
Theo tôi, nên quy hoạch, sắp xếp các trường đại học tính trên số lượng dân cư trên địa bàn trường đặt trụ sở, sẽ phục vụ sát nhất nhu cầu của xã hội, bởi trước đây từng có tình trạng, có những địa phương có đến 3 trường nhưng không tuyển được người học…”.

Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. Ảnh: NVCC.
Về vấn đề tái cơ cấu các trường trong hệ thống giáo dục đại học, Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn nêu quan điểm: “Nếu một trường đại học công lập (trực thuộc một số tỉnh thành quản lý) vận hành không tốt thì dẫn đến nguy cơ bị thất thoát tài nguyên rất lớn. Nếu không tự chủ được, buộc phải chuyển mình bằng cách sáp nhập, giải thể, chuyển đổi cơ cấu quản lý sang khối tư thục, để nhà đầu tư tư nhân tham gia quản lý. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải có cơ chế cụ thể, rõ ràng để tạo thuận lợi cho các trường cũng như các nhà đầu tư thực hiện.
Các trường ở địa phương đã có sẵn cơ sở vật chất, có tên tuổi, nhưng lại yếu về công tác quản lý, thì khi chuyển đổi cơ cấu, các nhà đầu tư sẽ dùng kinh nghiệm quản lý của mình để thay đổi ngôi trường đó. Như vậy, cũng sẽ góp phần tăng tỉ lệ trường tư trong hệ thống giáo dục đại học”.
Theo Quy hoạch, sẽ củng cố, sắp xếp và tăng cường năng lực đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện có; chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đánh giá, đối với chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư số 01 hiện nay, ở một số tiêu chí các trường công lập thực hiện đã khó, các trường tư thục lại càng khó hơn.
Từ đó, thầy Sơn cho rằng, cần có lộ trình dài hơn để các trường nỗ lực thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đó.
“Đối với vấn đề cơ sở vật chất, nên xây dựng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung sau đó các trường có thể sử dụng chung. Khi muốn hướng đến sử dụng cơ sở vật chất dùng chung giữa các cơ sở giáo dục đại học, Nhà nước phải có cơ chế rõ ràng, các trường đầu tư ra sao, sử dụng thế nào, phải có đầy đủ các tài nguyên, kể cả về tài chính… để cùng thực hiện” - Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn nhận định.
Tăng cường liên kết, hợp tác với trường công, doanh nghiệp, tổ chức giáo dục
Về phía Trường Đại học Nguyễn Trãi, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ: “Để đạt được tỉ lệ 30% các cơ sở giáo dục đại học tư thục và tư thục không vì lợi nhuận trên tổng quy mô đào tạo toàn quốc, theo tôi, vai trò của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc “cởi trói” các “nút thắt” là đặc biệt quan trọng.
Trước hết, phải có được sự bình đẳng giữa hệ thống các trường công lập và các trường tư thục. Ví dụ, Nhà nước đã đầu tư rất nhiều cho các trường công lập, các trường tư thục cũng rất mong có thêm sự hỗ trợ này. Đặc biệt, trong việc ưu tiên tiếp cận “quỹ đất” dành cho giáo dục tư thục nhất là đối với các dự án có quy hoạch phục vụ mục đích giáo dục thì không được chuyển đổi mục đích khác… Cùng với đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để các trường tiếp cận “quỹ đất” và xây dựng trường một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Khi chi phí đầu tư, vận hành tăng lên, nhà đầu tư sẽ buộc phải lấy vào một phần chi phí từ người học, như vậy, nếu có thể tiết kiệm những khoản chi phí này, cũng sẽ giảm phần nào áp lực học phí cho sinh viên. Bởi, sinh viên cũng có rất nhiều em có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, nếu học phí tăng lên, các em sẽ càng khó có cơ hội học đại học.
Như vậy, để thúc đẩy sự bình đẳng giữa hai hệ thống giáo dục công lập và tư thục, Nhà nước cần có thêm chính sách để hỗ trợ các cơ sở giáo dục tư thục. Chẳng hạn, Nhà nước giao đất cho trường công thì cũng dành đất cho trường tư, chỉ khác là nhà đầu tư sẽ tự thực hiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng…
Đồng thời, Nhà nước có thể lập những quỹ đầu tư cho giáo dục, hỗ trợ tín dụng và vốn vay, để các trường tư thục có thể vay khi mở rộng đầu tư hoặc giảng viên cần chi phí để đi học, nâng cao trình độ. Tương tự, đối với sinh viên, đặc biệt là sinh viên nghèo, các em cũng có thể tiếp cận vay vốn đi học, sau khi ra trường sẽ hoàn trả. Tôi cho rằng, nếu có được những hỗ trợ này, các trường sẽ ngày càng mở rộng, phát triển quy mô cũng như chất lượng”.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: NVCC.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận đề cập: “Có nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển hệ thống tư thục và mở rộng mạng lưới theo mục tiêu đã đề ra, cần tăng cường hợp tác và liên kết chặt chẽ giữa các trường tư thục với các trường công lập, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục cả trong nước lẫn quốc tế.
Tôi cho rằng, việc liên kết này không chỉ tạo ra nguồn chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn thu hút nguồn đầu tư tài chính và kỹ thuật, mở rộng quy mô hoạt động của hệ thống.
Chẳng hạn, khi một trường tư thục kết hợp với trường công lập, sẽ tận dụng được những ưu thế về đội ngũ giảng viên giỏi; khi liên kết với doanh nghiệp, các chuyên gia sẽ góp ý để nhà trường điều chỉnh chương trình đào tạo cho sát với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động…
Việc hợp tác, liên kết này nhìn chung sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ hơn cho các cơ sở giáo dục tư thục. Tuy nhiên, việc liên kết, hợp tác với đơn vị nào, tùy thuộc vào thế mạnh và định hướng của mỗi cơ sở giáo dục đại học. Như đối với Trường Đại học Nguyễn Trãi, nhà trường tăng cường liên kết đào tạo với nước ngoài, mở ra cơ hội học tập năng động, trau dồi khả năng ngoại ngữ và có những “cánh cửa” bước ra một môi trường làm việc rộng mở tại nước ngoài”.