Lãnh đạo trường ĐH: Xem xét bỏ mức thuế 2% đối với hoạt động GD là cần thiết
Lãnh đạo các trường đại học ủng hộ việc bỏ thuế 2% đối với hoạt động giáo dục, nhằm giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang thu hút sự chú ý lớn từ dư luận. Trong đó, có ý kiến chuyên gia, đại biểu quốc hội cho rằng nên cân nhắc về việc bỏ áp dụng khoản thuế 2% cho các hoạt động giáo dục.
Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập đã thực hiện tự chủ một phần, có trường đã tự chủ hoàn toàn và không quá phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Vì vậy, việc áp dụng mức thuế này có thể tạo áp lực lên chính học phí của sinh viên.
Bỏ thuế 2% hoạt động giáo dục là hợp lý và cần thiết trong bối cảnh hiện nay
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Huỳnh Minh Phát, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho biết: “Trong thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thuế và phí để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực giáo dục, chưa có chính sách giảm thuế một cách hợp lý.
Việc xem xét bỏ mức thuế 2% đối với hoạt động giáo dục là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi chi phí đào tạo đang được tính đúng và tính đủ vào giá dịch vụ giáo dục”.
Theo thầy Phát, mặc dù việc bỏ mức thuế 2% đối với từng trường là không lớn, nhưng tác động của nó đối với sinh viên và phụ huynh là rất đáng kể. Việc bỏ thuế này sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế, đồng thời mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Cũng theo thầy Phát, giáo dục luôn được xem là quốc sách, vì vậy, việc giảm thuế cho lĩnh vực này là hoàn toàn hợp lý.
Một số ý kiến cho rằng, trước đây việc áp mức thuế này là cần thiết, bởi nó sẽ góp phần vào quá trình vận động và đổi mới của một trường đại học khi các trường chủ yếu được nhà nước bao cấp và hoạt động bằng tiền ngân sách.
Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều trường đại học công lập đã thực hiện tự chủ một phần, có trường đã tự chủ hoàn toàn và không quá phụ thuộc vào nguồn ngân sách thì việc áp mức thuế này cũng nên được xem xét lại.
Theo thầy Phát, đối với các cơ sở giáo dục chưa thực hiện tự chủ tài chính, mức thuế 2% không tạo ra nhiều động lực thúc đẩy đổi mới. Đồng thời, đối với các đơn vị đã và đang hướng tới tự chủ tài chính, việc loại bỏ khoản thuế này giúp giảm áp lực lên học phí, từ đó phần nào hỗ trợ sinh viên và phụ huynh.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất bỏ thuế 2% đối với hoạt động giáo dục. Việc áp dụng khoản thuế này chưa phù hợp về chính sách khuyến khích giáo dục”.
Theo thầy Tiệp, đối với các trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, mức thu học phí nằm trong phạm vi khung giá theo quy định của cơ quan có thẩm quyền ban hành nhưng chưa tính đầy đủ chi phí. Việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu này sẽ làm giảm nguồn chi cho các hoạt động giảng dạy, đào tạo của nhà trường. Thực tế, nhiều năm qua đã có rất nhiều đơn vị kiến nghị với Bộ Tài chính về việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, khi các trường đại học công lập tiến tới tự chủ hoàn toàn cả về chi thường xuyên và chi đầu tư, tức là mức thu học phí đã tính đúng, tính đủ chi phí sẽ dẫn đến học phí cao hơn rất nhiều so với mức thu khi các trường chưa tự chủ.
Việc tiếp tục áp dụng mức thuế này làm cho mức học phí thu cao hơn, người học khó tiếp cận được các dịch vụ giáo dục do cơ sở giáo dục cung cấp, từ đó có thể làm ảnh hưởng đến số lượng tuyển sinh của cơ sở giáo dục.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Đối với những trường đại học đang chuẩn bị tự chủ tài chính, việc áp dụng mức thuế 2% đối với hoạt động giáo dục là một thách thức rất lớn.Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất bỏ khoản thuế 2% đối với các hoạt động giáo dục và đây cũng là quan điểm chung của đa số các trường đại học công lập”.
Thầy Quyền giải thích, hiện nay các trường đại học công lập vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước về mặt tài chính và học phí. Tuy nhiên, việc thu học phí ở mức thấp như hiện nay chưa phản ánh đúng chi phí đào tạo và khi áp dụng mức thuế 2% thì điều này làm gia tăng gánh nặng tài chính cho các trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền chỉ ra rằng, việc thu thuế 2% đối với hoạt động giáo dục là bất hợp lý. Bởi, các trường đại học công lập thu học phí từ sinh viên, nhưng nguồn thu này đang được xem là ngân sách nhà nước. Việc thu thuế từ chính nguồn ngân sách này để đóng lại cho nhà nước là một điều bất hợp lý và không có ý nghĩa.
Giảm gánh nặng tài chính và nâng cao chất lượng giáo dục
Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thu thuế 2% đối với các trường công lập hiện nay là không hợp lý, đặc biệt khi thu nhập của giảng viên tại các trường công lập đang ở mức thấp. Điều này có thể khiến các cơ sở giáo dục gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ chân nhân lực chất lượng cao, khi giảng viên có xu hướng chuyển sang các trường tư thục, nơi có mức thu nhập cao hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền cũng nhấn mạnh rằng, các trường đại học công lập đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nếu mức thuế này vẫn được áp dụng sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc duy trì các ngành học có nhu cầu thấp, nhưng lại là ngành quan trọng. Đơn cử như các ngành liên quan đến môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Thêm vào đó, thầy Quyền cho hay, nhà trường hoàn toàn có thể mở thêm nhiều ngành học khác để thu hút tuyển sinh, nhưng trường vẫn kiên định duy trì đào tạo những ngành mà nhu cầu của người học không cao. Điều này càng gây khó khăn cho nhà trường khi phải đối mặt với áp lực tài chính từ mức thuế 2%.
Mặt khác, giáo dục không phải là hoạt động kinh doanh và nếu tiếp tục áp dụng thuế 2%, các trường công lập sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, khi mức thuế này được áp dụng đối với những ngành học mà nhu cầu thấp nhưng lại vô cùng quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Khi bỏ khoản thuế 2%, các trường có thể sử dụng nguồn kinh phí này để cải thiện cơ sở vật chất, đầu tư vào phương tiện giảng dạy và tăng lương cho giảng viên. Điều này sẽ giúp giảm bớt tình trạng chảy máu chất xám và tạo động lực cho đội ngũ giảng viên tiếp tục phát triển. Quan trọng hơn, người học sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ những cải thiện nêu trên.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp cho rằng: “Với các trường đại học công lập, khi mức thu chưa đủ bù đắp chi phí lại phải gánh thêm một khoản chi phí thuế sẽ làm cho gánh nặng tài chính tăng lên. Về lâu dài, phần chi phí này cũng là một khoản kinh phí lớn, từ đó phải giảm chi cho các hoạt động giảng dạy và học tập, dẫn tới giảm chất lượng đào tạo và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các cơ sở giáo dục đại học.
Khi không phải chịu mức thuế 2%, tiết kiệm được chi phí, nhà trường sẽ sử dụng khoản chi phí tiết kiệm được đó để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các hoạt động dạy và học như: mua sắm máy móc, trang thiết bị, giáo trình, tài liệu cũng như tổ chức các hoạt động đào tạo gắn liền với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Không chỉ các cơ sở giáo dục công lập mà nhiều trường đại học ngoài công lập cũng mong muốn có chính sách ưu đãi về thuế để giảm bớt áp lực tài chính cho người học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng chia sẻ: “Các trường đại học công lập đang trong giai đoạn chuyển đổi, hướng đến tự chủ tài chính. Điều này đòi hỏi nhà trường phải tối ưu hóa chi phí và nguồn lực. Việc áp dụng thuế 2% sẽ làm tăng chi phí hoạt động, gây áp lực về phía nhà trường”.
Thầy Quỳnh cho rằng, việc bỏ mức thuế này là một chính sách phù hợp với bối cảnh hiện tại, đồng thời tạo điều kiện để phát triển giáo dục một cách bền vững và toàn diện hơn.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, nếu khoản thuế đối với các hoạt động giáo dục được bỏ, các trường có thể giảm học phí, giảm các khoản phí liên quan như tài liệu học tập, dịch vụ đào tạo hoặc các chương trình ngắn hạn, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính trực tiếp cho sinh viên và phụ huynh.
Hơn nữa, các khoản tiết kiệm từ việc bỏ thuế được tái đầu tư vào giáo dục, các trường có thể nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy và công nghệ, tạo ra môi trường học tập hiện đại hơn. Đồng thời, các trường có thể tăng các suất học bổng cho sinh viên xuất sắc hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Việc bỏ thuế không chỉ giảm gánh nặng tài chính trực tiếp mà còn tạo ra nhiều cơ hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và tăng khả năng cạnh tranh của người học trong môi trường toàn cầu hóa. Đây là một bước quan trọng để xây dựng một nền giáo dục công bằng, nhân văn và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thầy Quỳnh cũng mong muốn có thêm các chính sách ưu đãi về thuế cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập như Trường Đại học Lạc Hồng để trường có thể có thêm động lực nâng cao chất lượng giáo dục.