Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa, bão tại Hữu Lũng, Tràng Định
Ngày 9/9, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, bão trên địa bàn huyện Hữu Lũng.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Hữu Lũng, thực hiện chỉ đạo của cấp trên về ứng phó với bão số 3, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai ứng phó với bão cũng như công tác khắc phục sau bão.
Trong đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão; tổ chức trực ban 24/24 giờ để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ Nhân dân trong các tình huống khẩn cấp; tổ chức các đoàn thường xuyên kiểm tra công tác ứng phó bão số 3...
Về tình hình thiệt hại, tính đến 7 giờ ngày 9/9, trên địa bàn huyện có 1 người bị thương; 193 nhà ở, 122 công trình phụ và 3 chuồng trại bị tốc mái; 19 nhà xưởng sản xuất bị tốc mái, hư hỏng; 22 cột điện bị gãy, đổ; 440 ha lúa bị đổ và ngập nước.... Hiện trên địa bàn huyện có 260 hộ bị cô lập do ngập lụt.
Ngay khi xảy ra thiệt hại, UBND huyện đã chỉ đạo, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra liên tục 24/24 giờ đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên, nhanh chóng đưa người bị thương đến cơ sở y tế; di dời 262 hộ với 783 nhân khẩu đến nơi an toàn; khẩn trương xử lý tình trạng sạt lở, cây đổ đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Đối với các điểm ngập úng, sạt lở, lãnh đạo huyện đã kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế và chỉ đạo các lực lượng chức năng căng dây, cắm biển cảnh báo và trực canh gác...
Tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự chủ động, cố gắng của huyện Hữu Lũng trong việc triển khai các phương án ứng phó với mưa, bão những ngày qua.
Đồng chí lưu ý: Hiện nay, tình hình mưa, lũ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó, UBND huyện Hữu Lũng tiếp tục tăng cường nắm chắc tình hình diễn biến mưa lũ, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra ngập úng, chia cắt cục bộ để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong đó, UBND huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có biện pháp phòng ngừa; phân công các lực lượng ứng trực tại các địa điểm ngập úng, nguy hiểm để kịp thời xử lý các tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt là các vùng bị chia cắt bởi mưa, lũ, ngập úng...Qua đó giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa, bão gây ra.
Đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão trên địa bàn huyện Hữu Lũng
* Cùng ngày, Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh do đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục ngập lụt sau cơn bão số 3 tại huyện Tràng Định.
Theo báo cáo của lãnh đạo UBND huyện Tràng Định tại buổi kiểm tra, tính đến 9 giờ ngày 9/9, trên địa bàn huyện Tràng Định có khoảng 2.300 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở; 413ha cây cối, hoa màu bị ngập úng; gãy đổ 10ha cây lâm nghiệp; một số công trình điện và viễn thông bị hỏng; 21 vị trí tại một số tuyến giao thông trên địa bàn huyện bị sạt lở đất…
Đến trưa ngày 9/9, các lực lượng của huyện đã tổ chức hỗ trợ di dời người và tài sản cho 2.020 hộ với khoảng 5 nghìn nhân khẩu đến nơi trú tránh an toàn. Cùng đó, các lực lượng của huyện cũng đã hỗ trợ đầy đủ thực phẩm, nước uống cho người dân trong khu vực ngập bị chia cắt. Một số vị trí đường giao thông bị sạt lở cũng đã được xử lý để đảm bảo hoạt động giao thông thông suốt…
Sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình ngập lụt tại một số khu vực trên địa bàn huyện Tràng Định, cũng như công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tràng Định tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh về việc khắc phục hậu quả bão số 3; đảm bảo đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để cung cấp cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Các lực lượng trên địa bàn huyện tập trung hỗ trợ các hộ trong vùng ngập lụt di dời người và tài sản; rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở trên địa bàn, chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng để sẵn sàng khắc phục, xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra; tập trung nhân lực, vật lực, phương tiện khắc phục các sự cố về điện, viễn thông. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;…