Trung đoàn 710: Điểm tựa trên vùng biên giới Chư Prông
Những năm qua, Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 (Binh đoàn 15) đã phối hợp với chính quyền địa phương giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, trở thành điểm tựa trên vùng biên giới.
Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 đứng chân trên địa bàn 4 xã: Ia Lâu, Ia Mơ, Ia Piơr, Ia Ga (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) với hơn 60% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Lãnh đạo Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: V.H
Gia đình em Rơ Lan Măm (làng Khôi, xã Ia Mơ) thuộc diện hộ nghèo. Bố mẹ em phải làm thuê, làm mướn khắp nơi nhưng cuộc sống gia đình vẫn thiếu trước hụt sau. Chính vì thế, chuyện học của em cũng trắc trở, bấp bênh.
Thực hiện chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, năm 2023, Trung đoàn 710 đã nhận em Măm làm con nuôi của đơn vị.
Để giúp em vững bước tới trường, Trung đoàn hỗ trợ chi phí sinh hoạt với định mức 60 ngàn đồng/ngày và hỗ trợ 2 triệu đồng để mua sách vở, dụng cụ học tập khi bước vào năm học mới.
Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, đơn vị còn tặng quà, thăm hỏi động viên gia đình. Hiện nay, em học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.
Bà Rơ Lan Bloai (mẹ Măm) chia sẻ: “Gia đình khó khăn nên không thể lo chu toàn việc ăn, học cho các con. Khi biết cháu được Trung đoàn 710 nhận nuôi, tôi mừng lắm. Ngoài hỗ trợ vật chất, hàng tuần, các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên đến thăm, động viên gia đình và chỉ cho cháu học bài. Nhờ đó, việc học của cháu cũng tốt hơn trước”.
Được biết, ngoài em Rơ Lan Măm, Trung đoàn 710 đang nhận hỗ trợ 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến khi các em học xong lớp 12.
Hơn 20 năm đứng chân trên tuyến biên giới của tỉnh, Trung đoàn 710 thực hiện 2 nhiệm vụ song hành là phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong công tác dân vận như cử hàng trăm lượt cán bộ xuống tận vườn ruộng hướng dẫn kỹ thuật trồng cây công nghiệp, chăm sóc lúa nước... cho người dân trên địa bàn đứng chân.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xuất kinh phí hơn 1 tỷ đồng để thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; xây dựng 4 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã trao gần 50 con bò sinh sản trị giá trên gần 1 tỷ đồng cho các hộ nghèo và cận nghèo. Đơn vị còn tổ chức kết nghĩa giữa 5 đội sản xuất với 6 làng và 39 cặp hộ gắn kết giữa người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để giúp nhau trong cuộc sống.
Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 phối hợp với Bệnh viên Quân y 211 khám bệnh, cấp thuốc cho người dân. Ảnh: V.H
Ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông: Chúng tôi luôn đánh giá cao sự giúp đỡ của Trung đoàn 710 đối với địa phương. Cùng với việc nhận người dân vào làm công nhân, Trung đoàn hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, nhận các em học sinh làm con nuôi, tặng quà các gia đình chính sách, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân, hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới… Những việc làm ấy đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo tốt đời sống người dân, củng cố quốc phòng-an ninh trên tuyến biên giới.
Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tá Lê Thanh Tùng-Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710-cho biết: Những năm qua, đơn vị đã tích cực hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân thoát nghèo.
Hiện nay, Trung đoàn hình thành 7 cụm, điểm dân cư trên tuyến biên giới của huyện Chư Prông, cùng với các “làng công nhân” của Trung đoàn là những điểm sáng về văn hóa, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nói về những đóng góp của Trung đoàn 710 đối với địa phương, già làng Rơ Lan Hlết (làng Klah, xã Ia Mơ) chia sẻ: “Trước đây, người dân làng mình không biết trồng lúa nước. Nhờ chính quyền, bộ đội khai hoang, ngăn bờ dẫn nước về nên làng mới có cánh đồng lúa nước gần 100 ha như hôm nay. Không chỉ khai hoang, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 710 còn hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Nhờ đó, làng mình không còn thiếu lúa gạo nữa”.