Lãnh đạo Vinahud nêu lý do rút khỏi dự án Làng Hoa Tiền Phong

ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của CTCP Đầu tư Phát triển nhà và đô thị Vinahud (Vinahud UPCOM: VHD) được tổ chức thành công sáng ngày 5/9. Tại đây, với tỷ lệ đồng thuận ở mức cao, toàn bộ tờ trình đã được cổ đông Vinahud thông qua.

Ông Trương Quang Minh - Chủ tịch HĐQT Vinahud (giữa) chủ trì đại hội ngày 5/9. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

Ông Trương Quang Minh - Chủ tịch HĐQT Vinahud (giữa) chủ trì đại hội ngày 5/9. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ nhất trí thông qua việc thanh toán trước hạn một phần/toàn bộ khoản vay của công ty tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HOSE: TPB). Đại hội của Vinahud cũng chấp thuận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng, số tiền thu về được dùng để thanh toán khoản nợ tại TPBank.

Cụ thể, Vinahud sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp 659,52 tỷ đồng tại Mê Linh Thịnh Vượng, tương đương 100% vốn điều lệ công ty này. Theo tài liệu được công bố, đối tác nhận chuyển nhượng dự kiến là CTCP VNC Construction. Giá chuyển nhượng không thấp hơn 980 tỷ đồng.

Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng sở hữu 27,8 triệu cổ phần, tương đương khoảng 40% CTCP Đầu tư Bất động sản Prime Land - chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Làng Hoa Tiền Phong quy mô 40ha tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội.

VNC Construction có tiền thân là CTCP R&H Construction, được thành lập vào tháng 7/2020 với cổ đông sáng lập là CTCP Tập đoàn R&H (R&H Group) – pháp nhân liên quan của Vinahud và ông Trương Quang Minh – Chủ tịch HĐQT Vinahud.

Việc VNC Construction và Vinahud có nhiều liên hệ khiến cổ đông tại đại hội băn khoăn, có cổ đông đặt câu hỏi liệu đây có phải giao dịch nội bộ hay không.

Trả lời tại đại hội, ông Ngô Đức Tâm – Thành viên HĐQT cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, VNC và Vinahud không có liên quan về nhân sự ban điều hành và cổ đông lớn, hoạt động của VNC hoàn toàn độc lập với Vinahud. Theo quy định, đây không phải giao dịch nội bộ.”

Chia sẻ thêm về dự án Làng Hoa Tiền Phong, ông Tâm nhận định thị trường bất động sản đang gặp nhiều vướng mắc về các thủ tục pháp lý, dẫn đến thủ tục đầu tư kéo dài. Dự án này cũng không nằm ngoài các khó khăn đấy.

“Theo kế hoạch, chúng tôi kỳ vọng dự án này sớm được đưa vào sản xuất kinh doanh, nhưng dự án không đạt được kỳ vọng như kế hoạch đặt ra ban đầu. Bên cạnh đó, chi phí tài chính của Vinahud đang rất cao, các chỉ số tài chính không được tốt, chúng tôi mong muốn bán được dự án này với mức giá hợp lý, để cải thiện chỉ số tài chính và giảm mạnh nợ vay,” ông Ngô Đức Tâm cho biết.

Về giá bán không thấp hơn 980 tỷ đồng, ông Ngô Đức Tâm cho biết để đảm bảo nghĩa vụ nợ vay của ngân hàng và cao hơn giá mà Vinahud bỏ ra để mua lại công ty này là 950 tỷ đồng. VHD đang trong quá trình đàm phán với đối tác và sẽ tiến hành công bố thông tin sau khi chốt giá.

Dự kiến, Vinahud sẽ trả toàn bộ dư nợ gốc là 760 tỷ đồng tại TPBank cho khoản vay này, cùng với các chi phí tài chính liên quan.

Sau khi rút khỏi dự án Làng hoa Tiền Phong, theo ông Ngô Đức Tâm, dự án mũi nhọn của Vinahud vẫn sẽ là Grand Mercure Quảng Nam. Công ty cũng đã gần hoàn thành dự án này.

Về tình hình triển khai dự án Grand Mercure, Chủ tịch HĐQT Trương Quang Minh cho biết công ty đang tích cực triển khai. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ số căn villa đã cất nóc và tiến hành hoàn thiện phần ngoài. Liên quan đến khối khách sạn, Vinahud đã hoàn thiện xong phần móng hầm, trong thời gian sắp tới, công ty sẽ tiến hành hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thi công phần thân.

Ông Trương Quang Minh phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

Ông Trương Quang Minh phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

Kiện toàn nhân sự cấp cao

Một nội dung quan trọng khác được thông qua ở ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của Vinahud là việc bầu bổ sung 4 nhân sự cấp cao mới vào HĐQT và Ban kiểm soát.

Cụ thể, ông Nguyễn Hồ Nam – cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) là cổ đông nắm 22,8% vốn Vinahud, đề cử 2 ứng viên vào ghế HĐQT Vinahud là ông Phan Anh Tuấn và Bùi Việt Anh.

Trong đó, ông Phan Anh Tuấn chính là Trưởng Ban Kiểm soát Vinahud vừa nộp đơn từ nhiệm vào ngày 17/7 vừa qua do “nhu cầu công việc”.

Ứng viên HĐQT còn lại, ông Bùi Việt Anh có trình độ Kỹ sư xây dựng. Ông trở thành Tổng giám đốc Tập đoàn BGI (BGI Group) từ tháng 4/2019 và đảm nhận vị trí này cho đến nay. Ông Bùi Việt Anh hiện còn là Chủ tịch HĐQT CTCP xây dựng BGI, thành viên HĐQT CTCP vật liệu xây dựng BGI và CTCP Tập đoàn IUC.

BGI Group là đối tác quen thuộc của Vinahud những năm gần đây. Vào ngày 19/10/2021, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định chấp thuận đầu tư đối với liên danh CTCP Archi Viên Nam, Vinahud và BGI Group, là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Viên Nam tại xã Quang Tiến, TP Hòa Bình. Dự án có tổng vốn đầu tư 512 tỷ đồng, tổng diện tích 65ha.

Hai nhân sự được đề cử vào Ban kiểm soát là ông Mai Kiên (SN 1983) và bà Nguyễn Thị Liễu (SN 1992). Nhóm cổ đông đề cử ông Kiên, bà Liễu gồm 13 cá nhân nắm tổng cộng 23,63% vốn Vinahud gồm: Chủ tịch HĐQT Vinahud Trương Quang Minh (4,51%), ông Trương Thanh Minh (0,89%), bà Phạm Thị Hạnh (2,27%), ông Vũ Nam Chung (9,58%)…

Ông Mai Kiên từng công tác tại R&H Group giai đoạn 2022-2024 ở các vị trí chuyên viên Ban xây dựng và trưởng phòng kinh tế đấu thầu. Ông hiện là trưởng phòng kinh tế đấu thầu của CTCP Đầu tư và xây dựng Xuân Phú Hải; trong khi đó, bà Nguyễn Thị Liễu từ tháng 4/2021 đến nay cũng là chuyên viên kế toán của R&H Group.

Minh Phong

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lanh-dao-vinahud-neu-ly-do-rut-kho-i-du-an-la-ng-hoa-tie-n-phong-33070.html