Lạnh gáy vụ 9 người thiệt mạng trên núi Tử thần: Mãi là bí ẩn dù đã có lời giải
Nhóm 9 người được tìm thấy trong tình trạng chết một cách kỳ lạ, quần áo không chỉnh tề, người nứt sọ, kẻ bị mất lưỡi...
Từ thời Xô Viết đến nay, dãy núi Ural đã được nhiều người gọi bằng cái tên “Ngọn núi Tử thần” với đầy những câu chuyện kỳ lạ được thêu dệt về “một thế lực bí ẩn” hại chết những người leo núi.
Ngày 23/1/1959, 9 nhà leo núi đã khởi hành leo lên dãy Ural. Điểm đến của họ là cao nguyên Manpupuner. Theo kế hoạch, nếu không đặt chân được đến cao nguyên này trong khoảng thời gian định trước, họ sẽ quay trở về vào ngày 12/2.
Nhưng hơn một tháng trôi qua, họ vẫn không đến được làng Vishay như dự kiến. Đến ngày 26/2, đội cứu hộ tìm thấy lều của họ trên đỉnh Tử thần. Các nhà điều tra phát hiện lều bị cắt bằng vật sắc nhọn từ bên trong. Nhóm người để lại mọi vật dụng cá nhân trong lều, dường như vội vã chạy trốn thứ gì đó.
Thi thể của bốn thành viên trong nhóm được tìm thấy ở một khoảng cách khá xa so với lều. Sau hơn hai tháng tìm kiếm, các điều tra viên mới phát hiện xác những người còn lại nằm sâu trong rừng, co quắp trong một cái hố sâu 4,5 mét, dường như để tránh rét. Vài người chỉ mặc đồ lót, cơ thể có dấu hiệu vật lộn như nứt xương sọ, gãy xương sườn, nhưng lại không có vết thương ngoài da nào, dù chỉ là một vết xước.
Kỳ lạ hơn nữa, quần áo họ chứa lượng phóng xạ cao hơn bình thường rất nhiều. Khám nghiệm tử thi cho thấy thi thể nữ sinh viên Lyudmilla Dubinina còn bị mất lưỡi và hai mắt.
Cảnh sát đưa ra kết luận ban đầu rằng: họ đã bỏ chạy về phía chân núi trong nỗi sợ hãi tột độ giữa đêm giá rét. Họ thậm chí còn không có thời gian mặc quần áo chỉnh tề, hầu như chỉ mặc đồ lót và đi tất. Điều khiến các nhà điều tra Liên Xô bối rối là họ không thể tìm ra bất kỳ đối tượng khả dĩ nào quanh khu vực có thể gây ra cái chết cho cả 9 người này.
Kể từ đó, câu chuyện về cái chết của nhóm thám hiểm đèo Dyatlov trở nên nổi tiếng ở Nga và nước ngoài trong những năm 1990 với nhiều giả thuyết bí hiểm. Có rất nhiều sách, phim tài liệu và phim truyện nói về sự cố đèo Dyatlov, biến nó thành một trong những vụ án bí ẩn nhất của Nga qua nhiều năm tháng.
Tổng cộng, có khoảng 75 giả thuyết giải thích điều đã xảy ra với nhóm thám hiểm Dyatlov, phổ biến nhất là các giả thuyết: UFO, thử tên lửa, vụ nổ hạt nhân, bão, động đất, tuyết lở và thậm chí là có bàn tay phá hoại của nước ngoài.
Giả thuyết về vụ nổ hạt nhân đã bị loại bỏ vì không có dấu vết phóng xạ nào trên đồ đạc cá nhân của các thành viên trong nhóm. Giả thuyết về một vụ phóng tên lửa, UFO cũng không được chấp nhận. Bão và động đất không được ghi nhận xảy ra vào ngày hôm đó.
Sau khi mở lại cuộc điều tra vào năm 2019 theo yêu cầu của gia đình các nạn nhân, cơ quan công tố Nga đưa ra giả thiết nhóm leo núi thiệt mạng do tuyết lở. Tuy nhiên, dư luận ở Nga không tin do cơ quan điều tra không giải thích được tuyết lở xảy ra như thế nào.
Có bốn nghi vấn khiến giả thiết bị phản bác: Đội cứu nạn không tìm thấy dấu vết tuyết lở, độ dốc trên vị trí dựng lều nhỏ hơn 30° nên không đủ dốc để tuyết lở, tuyết lở xảy ra trễ 9 tiếng sau khi nhóm leo núi khoét vách núi dựng lều, các vết thương không mang tính chất điển hình của nạn nhân tuyết lở.
Có lẽ không ai có thể ngờ rằng bí ẩn bi thảm này hiện đã trở thành một phần của văn hóa dân gian Nga. Trước những lời giải thích mang tính chất huyền bí, các nhà nghiên cứu nói rằng căn cứ khoa học liên quan đến tuyết lở là điều hợp lý nhất.
Nhà nghiên cứu Puzrin nhận định: "Sự thật là không ai thực sự biết chuyện gì đã xảy ra vào đêm đó. Nhưng chúng tôi cung cấp căn cứ định lượng mạnh mẽ cho rằng nguyên nhân tai nạn do tuyết lở là hợp lý hơn cả".