Lào Cai: 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh giảm nghèo bình quân 10,41%
Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai bước đầu đã thu được kết quả nhất định, huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong quá trình triển khai thực hiện. Năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của 10 xã đạt 10,41%, vượt mục tiêu kế hoạch năm.
Năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Kế hoạch số phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Cấp huyện, cấp xã đã tích cực, chủ động bám sát chủ trương, chỉ đạo của tỉnh để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho xã, huy động hệ thống chính trị, người dân cùng vào cuộc quyết tâm giảm tình trạng nghèo và tiến tới xây dựng nông thôn mới.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân; công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Nghị quyết, Kế hoạch đã được các cấp, các ngành tích cực thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống mạng internet…
Năm 2023 đã sản xuất, đăng tải hơn 50.000 tin, bài tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước và của tỉnh Lào Cai; trong đó tin bài về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh chiếm khoảng 80%, nội dung phản ánh cụ thể về chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, chương trình an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo… Nhiều chương trình được dịch sang tiếng dân tộc (Mông, Dao, Giáy) phát trên sóng phát thanh - truyền hình.
Công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ chủ chốt nâng cao năng lực cho xã tiếp tục được tăng cường. Đến nay, 10 xã nghèo có 195 cán bộ, công chức; trong đó 93,8% cán bộ, công chức có 2 trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ Cao đẳng trở lên; tăng 2% so với năm 2022.
Trong năm đã thực hiện điều động, luân chuyển 16 cán bộ, công chức xã tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn; cử 74 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước… và thực hiện tuyển dụng, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã theo quy định.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn 10 xã nghèo tiếp tục được quan tâm. Năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang thực hiện tuyển sinh, đào tạo 620 người trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng. Thu hút 5.566 học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đạt 26,44%. Triển khai thực hiện 02 lớp đào tạo nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023. Tại 10 xã nghèo cũng đã tổ chức được 14 hội nghị tuyên truyền, phiên giao dịch việc làm; thu hút 1.386 lao động tham gia.
Năm 2023, tỉnh Lào Cai đã giao danh mục chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng 10 xã nghèo 106 công trình giao thông, thủy lợi, điện nông thôn, trường học, y tế, văn hóa, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà công an, trụ sở xã, sắp xếp dân cư. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; 10 xã nghèo đã xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện 31 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Bằng nguồn vốn Khuyến nông Trung ương và Khuyến nông tỉnh đã triển khai, thực hiện 02 mô hình. Tổ chức 09 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; các hội nghị tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cấp chính quyền cơ sở, người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, ứng dụng công nghệ, liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường.
Tính đến năm học 2023 - 2024, trên địa bàn 10 xã có 31 trường, 452 nhóm/lớp với 10.885 học sinh; 100% các cơ sở giáo dục đã có nhà lớp học kiên cố tại trường chính; 11 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét ở tất cả các cấp học; 100% các xã duy trì đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo duc tiểu học, THCS và xóa mù chữ mức II. Phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT, giáo dục thường xuyên và học nghề của 10 xã đạt 66,5%. Công tác y tế duy trì ổn định, 10/10 xã nghèo đạt tiêu chí về y tế của Bộ tiêu chí quốc gia trong năm 2023.
Hoạt động tín dụng trên địa bàn 10 xã nghèo tiếp tục được ngành ngân hàng quan tâm và tích cực triển khai. Tăng cường cho vay hiệu quả đối với chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội; Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, từ đó nâng cao đời sống của người dân. Tổng dư nợ cho vay tại 10 xã năm 2023 đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2022; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ dưới 1%.
Các cấp, các ngành và các đồng chí lãnh đạo tỉnh được phân công nhiệm vụ giúp đỡ 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đã thường xuyên xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa bàn nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất kịp thời giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho từng xã trong quá trình thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững; đặc biệt là việc triển khai thực hiện các dự án được giao cho xã đầu tư theo các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, giải pháp hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới năm 2023.
Còn nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai; năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 186/KH-UBND phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 9,6% trở lên, mỗi xã phấn đấu đạt tối thiểu 01 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện mục tiêu này, trong năm 2023, 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực giảm được 630 hộ, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 10,41% (giảm từ 60,95% xuống còn 50,54%), vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; số hộ nghèo còn lại 3.124 hộ. Về xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2023, bình quân 10 xã đạt 5,8 tiêu chí/xã (đánh giá theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025), tăng trung bình 1,6 tiêu chí/xã so với năm 2022.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội song tỷ lệ lao động có việc làm của 10 xã nghèo qua đào tạo còn thấp; thu nhập ở mức trung bình, chưa đóng góp nhiều vào kinh tế hộ để thoát nghèo bền vững. Sản xuất nông, lâm nghiệp bước đầu tư đã chuyển đổi tư duy sang mô hình kinh tế tập thể, có sự hỗ trợ nhau cách làm và hình thành được các tổ hợp tác, hợp tác xã nhưng chưa phổ biến ở các xã; kinh tế hộ gia đình làm nông nghiệp giản đơn vẫn chiếm đa số, năng suất lao động và thu nhập của người dân thấp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao. Chương trình mục tiêu quốc gia đã bắt đầu triển khai thực hiện trên địa bàn 10 xã nhưng cách thức tổ chức còn nhiều lúng túng; chưa phát huy được hết hiệu quả của nguồn vốn. Hầu hết các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đều nâng cao hơn gấp nhiều lần so với Bộ tiêu chí trước đây…
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, có xét đến năm 2030; tỉnh Lào Cai đã chọn ra 10 xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất để tập trung nguồn lực thực hiện các lĩnh vực trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 là phải tạo sự chuyển biến nhanh, rõ nét về đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; giảm dần khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội của 10 xã so với các xã khác trong tỉnh; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 08%/năm trở lên theo tiêu chí chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025; nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2025 của từng xã gấp trên 02 lần so với năm 2020; đến năm 2025, mỗi xã phấn đấu đạt tối thiểu 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, quy định đối với xã không còn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo các xã đến 2025 phải đạt dưới 20%. Đây là thách thức đối với cấp ủy, chính quyền trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; đòi hỏi phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong thời gian tới.
Năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị, lãnh đạo thường xuyên xuống cơ sở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ từ huyện về xã, từ xã sang xã, đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, tâm huyết thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công; đổi mới công tác tuyên truyền góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, tích cực tham gia lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã, triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đề xuất một số mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, cây dược liệu có thế mạnh của địa phương mang giá trị kinh tế hàng hóa. Tổ chức tốt các phiên giao dịch việc, tư vấn chính sách, kết nối thông tin thị thường giúp người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm trong và ngoài tỉnh, nước ngoài. Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho 10 xã nghèo để khuyến khích tạo việc làm cho người lao động. Huy động tối đa các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu vốn vay cho tổ chức, cá nhân tại các xã, góp phần thúc đẩy kinh tế, giảm nghèo bền vững…
laocai.gov.vn