Lào Cai: Các trường học áp dụng giáo dục STEM, góp phần khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh
Giáo dục STEM được các trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai quan tâm chú trọng triển khai, góp phần khuyến khích khả năng sáng tạo, vận dụng tổng hợp kiến thức, tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Dạy học STEM tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám- TP Lào Cai
Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Lào Cai nhiều năm nay luôn chú trọng nâng cao hiệu quả dạy học STEM theo định hướng Chương trình GDPT 2018. Sau khi được tham gia tập huấn của Bộ GD&ĐT, trường tập trung nghiên cứu các tài liệu và chương trình GDPT 2018 để hiểu được mục tiêu của việc triển khai bài học STEM; tự học, tự bồi dưỡng với các chuyên gia để hiểu được quy trình thiết kế một bài học STEM, các bước tổ chức dạy học với bài học STEM.
Cô giáo Bùi Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám chia sẻ: Để thực hiện hiệu quả dạy học STEM, trước tiên chúng tôi lựa chọn cán bộ, giáo viên có năng lực và mong muốn đổi mới để tiên phong đi đầu rồi sau đó lan tỏa đến đội ngũ. Cùng với đó trường đã thành lập nhóm cốt cán triển khai bài học STEM thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên cốt cán; phân công nhiệm vụ các thành viên trong nhóm để hỗ trợ giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch môn học và thiết kế bài học STEM. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn toàn trường bởi đây là hoạt động rất cần thiết để nắm chắc về triển khai bài học STEM theo chương trình GDPT 2018. Sau khi giáo viên đã nắm vững cách lựa chọn chủ đề bài học, từng tổ khối tiến hành xây dựng các chủ đề dạy học trong năm học, trên cơ sở đó các tổ chuyên môn điều chỉnh kế hoạch môn học cho phù hợp.
Để giáo viên muốn làm, thích làm và thi đua sáng tạo đổi mới, lãnh đạo trường luôn động viên, biểu dương những ý tưởng mới. Giáo viên trong trường đều tích cực tham gia các cuộc thi thiết kế bài học STEM cấp trường, cấp thành phố; 15/15 giáo viên thi thiết kế bài học STEM cấp thành phố đều đạt và được đánh giá cao; 32/32 sản phẩm dự thi thiết kế bài học STEM cấp tỉnh đều đạt giải cao với 5/10 giải Nhất; 1 sản phẩm đạt điểm cao nhất cuộc thi. Từ đó tạo ra sự phấn khởi và tự tin trong thiết kế bài học STEM.
Giáo dục STEM giúp học sinh Tiểu học Hàm Rồng (Thị xã Sa Pa) phát huy tính tích cực, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Tại Trường Tiểu học Hàm Rồng (Thị xã Sa Pa), trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục môn học có nội dung giáo dục STEM, lựa chọn ít nhất mỗi lớp 4 chủ đề/năm học để triển khai thực hiện. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Rồng Trần Thị Thoa cho biết: Trường có tổng số 466 học sinh thuộc 19 lớp. Mỗi lớp đều có góc học STEM, có sản phẩm STEM. Dạy học theo hình thức bài học STEM đáp ứng được mục tiêu dạy học tích hợp và yêu cầu cần đạt của bài học, giúp học sinh hình thành năng lực, phẩm chất cần thiết. Ngoài ra, trường chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật giúp học sinh làm quen, phát triển năng khiếu, tham gia các dự án, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, thiết kế trò chơi, thiết kế đồ dùng học tập…
Theo kế hoạch, Trường Tiểu học Hàm Rồng sẽ tổ chức ngày hội Giáo dục STEM vào giữa tháng 11/2023. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Đặc biệt qua đó góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn; phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự chủ của học sinh; hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tạo ra sự thay đổi tích cực cho giáo viên và học sinh trong dạy và học.