Lào Cai - kỳ quan thiên nhiên Đông Nam Á
Mới đây, Tạp chí Forbes của Mỹ đã bình chọn Lào Cai (Việt Nam) trong Top 5 kỳ quan thiên nhiên của Đông Nam Á, bên cạnh những cái tên: Vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa (Philippines), hồ Sen Đỏ (Thái Lan), đỉnh Kinabalu (Malaysia), quần đảo Komodo (Indonesia).
Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Phía Bắc Lào Cai giáp Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái. Tỉnh lỵ là thành phố Lào Cai, cách Hà Nội khoảng 300 km.
Có vị trí địa lý thuận lợi, trong những năm qua, ngành du lịch Lào Cai đã phát triển mạnh mẽ với các loại hình đa dạng, từ du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh cho đến du lịch thể thao, nghiên cứu.
Nói đến danh lam thắng cảnh Lào Cai phải nói đến thị xã Sa Pa cổ kính, luôn ngập trong sương mờ. Phong cảnh thiên nhiên, khí hậu mát lạnh của Sa Pa kết hợp với sức sáng tạo của con người đã biến địa danh này trở thành một bức tranh thiên nhiên có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn.
Theo nhiều người kể lại rằng, tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại. Trong tiếng Quan Thoại phát âm là SaPả hay SaPá, tức “bãi cát”, do ngày trước khi có thị xã Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ. Từ hai chữ “Sa Pả”, người phương Tây phát âm không dấu, thành Sa Pa. Về sau, từ này được thống nhất cách phát âm và chữ viết là Sa Pa.
Ngoài Sa Pa thì Bát Xát cũng là điểm du lịch nổi tiếng của Lào Cai. Cùng với những cảnh sắc thiên nhiên ban tặng, vùng đất này còn là nơi hội tụ các sắc màu văn hóa dân tộc, những đặc sản riêng của miền Tây Bắc, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt níu giữ chân khách thập phương khi đến.
Bát Xát có dãy Ngũ Chỉ Sơn, là đầu nguồn của “con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Bát Xát có những cánh đồng của Quang Kim, Cốc San, đặc biệt có rừng thảo quả bạt ngàn, một loại dược liệu quý, tạo nên nguồn thu cơ bản cho nhân dân vùng cao Bát Xát.
Đặc biệt Bát Xát có quần thể hang động Mường Vi đã được xếp hạng danh thắng của quốc gia. Địa đểm du lịch này là một vùng thung lũng rộng được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp. Hoạt động kiến tạo của vỏ trái đất đã vô tình tạo nên trong lòng núi một quần thể hang động Mường Vi rộng lớn bao gồm các hang liên hoàn. Trong đó, 3 hang nổi tiếng và đẹp nhất là Cám Rang, Na Rin và Cám Tẳm.
Theo cách giải thích của người dân địa phương, động Mường Vi gắn liền với truyền thuyết từ thưở xa xưa. Truyện kể rằng, nơi này có khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với núi non thơ mộng, hùng vỹ nên thường được các vị tiện lựa chọn là nơi dạo chơi, ngắm cảnh. Vì vậy, xưa kia, Mường Vi còn có tên gọi khác là Mường Tiên. Hàng ngày, các vị tiên xuống đây còn giúp người dân khai khẩn ruộng nương, dạy họ trồng ngô, trống lúa. Nhờ thế, địa điểm tham quan Mường Vi mới có đặc sản gạo Séng Cù thơm ngon nức tiếng khắp nơi. Không những thế, khi trong làng có lễ hội hay đám cưới…, các vị tiên còn cho họ mượn đồ dùng để tổ chức những buổi lễ linh đình, vui vẻ.
Ngày nay, khi đến thăm quan quần thể hang động Mường Vi, du khách vẫn tìm thấy các dấu tích nguyên vẹn trong các hang Na Rin và Cám Rang như trong câu chuyện truyền thuyết trên và choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên phú. Cùng với quần thể hang động, núi non kỳ thú, Bát Xát còn có Mường Hum, một ngôi làng người Giáy ở có con suối nước trong, lắm thác, nhiều cá chảy qua cạnh làng. Vượt Mường Hum qua Dền Sáng- vùng chè của người Dao đỏ, sẽ đến dải rừng già nguyên sinh với nhiều loại dược liệu và gỗ quý. Thoát khỏi khu rừng già sẽ đến “vương quốc” Y Tý- một cao nguyên sương phủ, rét giá; là nơi sinh sống của bà con dân tộc Hà Nhì…
Bát Xát có các dân tộc như Mông, Dao đỏ, Giáy, Hà Nhì, Hán, Tày… sinh sống. Bao nhiêu tộc người thì có bấy nhiêu nền văn hóa riêng. Song làm cho văn hóa Bát Xát nổi lên hơn cả là văn hóa Giáy với những lễ hội “Roóng pọc”, với những đám cưới vui nhộn của đón dâu, của trống kèn pí lè, sự ồn ào của trai gái bôi phẩm đỏ để mãi mãi nhớ tới nhau. Cùng với sự đặc sắc của văn hóa Giáy là văn hóa Hà Nhì đen, một dân tộc duy chỉ có ở Bát Xát. Người Hà Nhì sống ở tận cao nguyên Y Tý, bốn mùa mát lạnh, đêm buông làng, bản vang vọng tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng đàn tròn của trai gái tìm nhau. Dân tộc Hà Nhì nơi đây có lễ hội Khô già cầu mùa vào mồng 6 tháng 6 âm lịch đầy ấn tượng với các trò chơi, tục cúng tế. Người dân Bát Xát còn nói rằng, ai đến Bát Xát chưa uống rượu San Lùng thì coi như chưa từng đến để nhấn mạnh về vị đậm đà riêng có của loại rượu địa phương. Rượu được người Dao đỏ nấu bằng thóc. Khi uống êm dịu, có mùi đặc trưng của vỏ trấu.
Bên cạnh Bát Xát, Bắc Hà cũng là điểm du lịch nổi tiếng được nhiều người ghé tới khi đến Lào Cai. Trong đó, có điểm du lịch đặc sắc nhất là phiên chợ Bắc Hà. Tại phiên chợ này, bạn có thể tìm thấy những món đồ khác lạ của người dân tộc, cũng như thưởng thức đặc sản vùng cao, như thắng cố, rượu ngô, rượu thóc hay trà hoa tam thất…
Đặc biệt, những năm gần đây, địa danh Simacai của Lào Cai đang trở thành điểm đến của những người thích mạo hiểm và chụp ảnh. Cánh đồng tam giác mạch Lử Thẩn, đang mang lại thành công về mặt kinh tế và quảng bá du lịch cho Lào Cai nói chung và cho khu vực Bắc Hà - Simacai nói riêng.
Lào Cai còn biết đến với tư cách là địa chỉ du lịch - mua sắm bởi Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai là 1 trong 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng trên tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam cùng với Cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh)…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lao-cai--ky-quan-thien-nhien-dong-nam-a-5658057.html