Lào Cai: Nâng cấp hạ tầng CNTT đến các điểm trường, thí điểm học bạ số tiểu học

Sở GDĐT Lào Cai đề xuất tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đến các điểm trường hiện đang sử dụng USB 4G; hỗ trợ xây dựng giáo dục thông minh.

Tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, có đề cập đến một trong những nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục số , giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân hóa, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo; đồng thời, trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng thiết yếu để thích ứng học tập, làm việc hiệu quả, an toàn trong không gian số.

Phát triển các phương thức đào tạo mở, các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, phát triển học liệu mở trực tuyến. Khuyến khích phát triển các mô hình trường học mới như trường học số, trường học thông minh, trường học hạnh phúc. [1]

Chuyển đổi số đạt nhiều kết quả quan trọng, triển khai thí điểm học bạ số bậc tiểu học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Minh Thuận - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết, thực hiện công tác tham mưu, chỉ đạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh giáo dục thông minh, giáo dục STEM, giai đoạn 2021- 2025”, Kế hoạch Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện nay, Sở đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Kế hoạch số 354/KH-UBND ngày 24/10/2022 về việc ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã ban hành một số văn bản thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm học 2023-2024.

 Ông Nguyễn Minh Thuận - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cung cấp.

Ông Nguyễn Minh Thuận - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cung cấp.

Theo ông Nguyễn Minh Thuận, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thực hiện tuyển sinh trực tuyến học sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất xây dựng kho dữ liệu.

Đồng thời, chỉ đạo triển khai Kế hoạch nâng cao chỉ số chuyển đổi số năm 2024 gắn với nâng cao cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo, rà soát từng chỉ tiêu và có giải pháp cụ thể để thực hiện; triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học (theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo); triển khai thí điểm mô hình thi online qua xác thực định danh điện tử bằng căn cước công dân tại Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai,…

Về công tác xây dựng hệ thống đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ông Nguyễn Minh Thuận cho hay, Sở đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành giáo dục, kiện toàn tổ giúp việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tổ chức hội nghị, hội thảo triển khai Kế hoạch nâng cao chỉ số chuyển đổi số năm 2024 gắn với nâng cao cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, các phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và tổ giúp việc Ban chỉ đạo Chuyển đổi số (100% đơn vị có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm).

Vị Phó Giám đốc Sở cũng cho biết, các điều kiện đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã đạt được nhiều kết quả, gồm:

Về cơ sở vật chất: Toàn ngành có 593/593 cơ sở giáo dục có kết nối internet; Các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục được trang bị cơ bản đủ máy tính, hạ tầng công nghệ thông tin để quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức dạy và học trên nền tảng số; Sử dụng hệ thống phòng họp trực tuyến: để tổ chức họp, hội nghị trực tuyến, hội thảo, tập huấn,...

Về đội ngũ: Có 419 giáo viên Tin học, cơ bản đủ để triển khai việc giảng dạy Tin học theo chương trình phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 14.769/15.010 cán bộ quản lý, giáo viên (đạt 98,4%) được tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng và kỹ năng về an toàn thông tin thông qua các lớp bồi dưỡng hè năm 2024 và các lớp tập huấn chuyên đề trong năm học 2023-2024.

Về thể chế: Ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành giáo dục giai đoạn 2021-2025; thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành giáo dục, tổ giúp việc; ban hành quy chế quản lý và sử dụng hồ sơ điện tử; các văn bản, hướng dẫn về thực hiện, triển khai Chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục; tổ chức hướng dẫn các cơ sở giáo dục đánh giá về mức độ Chuyển đổi số theo bộ tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về đảm bảo an toàn thông tin: Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp phần mềm, phần cứng về an toàn thông tin; chủ động tham gia, phối hợp các cơ quan chuyên trách về an toàn thông tin trong phát hiện, xử lý các sự cố có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Thuận cho hay, 593/593 cơ sở giáo dục (đạt 100%) đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường vnEdu do VNPT Lào Cai và phần mềm Smas do Viettel cung cấp để quản lý, số hóa thông tin về trường, lớp, học sinh, đội ngũ, cơ sở vật chất,...; quản lý hồ sơ điện tử của học sinh, giáo viên. 100% trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn triển khai số hóa hồ sơ; đối với nhà trường: Học bạ, sổ theo dõi và đánh giá học sinh theo từng lớp học, sổ đăng bộ; đối với giáo viên: Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

Ngoài ra, khuyến khích các trường triển khai quản lý các loại hồ sơ trên nền tảng quản lý nhà trường như: Sổ ghi đầu bài, sổ chủ nhiệm, kế hoạch bài dạy; cung cấp các dịch vụ thông tin liên lạc, trao đổi giữa nhà trường với phụ huynh học sinh,...

Theo vị Phó Giám đốc Sở, riêng cấp tiểu học, Sở đang triển khai thí điểm học bạ số theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Chia sẻ về kết quả thực hiện chuyển đổi số trong công tác dạy và học, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho hay, Sở đã chỉ đạo giáo viên sản xuất bài giảng số dùng chung (được tổ chuyên môn, giáo viên cốt cán thẩm định), mỗi giáo viên thực hiện tối thiểu 01 bài/01 học kỳ.

Tổ chức tập huấn, lựa chọn các giải pháp học trực tuyến như Shubclassrom, Zoom Cloud Meeting, Microsoft Teams,...; sử dụng linh hoạt các ứng dụng Zalo, Email, Facebook, Messenger,... để tương tác với học sinh.

Triển khai dạy học trên nền tảng số để hướng dẫn học sinh tự học, đặc biệt quản lý, giám sát quá trình học tập của học sinh, nhằm phát huy năng lực cá nhân hóa của học sinh đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tích cực sử dụng thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng, học liệu số để tổ chức dạy học nhằm đổi mới phương pháp dạy học; thay thế các thiết bị, thí nghiệm thực hành còn thiếu hoặc mất an toàn cho học sinh.

Khuyến khích phát triển hệ thống thư viện số dùng chung (lưu trữ video bài giảng trực tuyến, bài giảng e-learning, được tổ chuyên môn của trường, giáo viên cốt cán thẩm định); 100% giáo viên có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; tổ chức được 1.903 giờ học kết nối. Hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, 860 số bài học hoặc nội dung được hỗ trợ dạy học qua hệ thống LMS, 17.933/176.150, đạt 10,2% số học sinh có tài khoản trên hệ thống LMS tham gia học.

Theo vị Phó Giám đốc Sở, toàn tỉnh có 165.547/222.640 học sinh và trẻ em được tiếp cận, học môn Tin học (đạt 74,36%). Cụ thể: Cấp mầm non đạt 42,82% số trẻ em được tiếp cận môn Tin học (làm quen với máy tính); cấp tiểu học đạt 69,75% (trong đó học sinh lớp 3,4,5 đạt 97,7%, riêng lớp 3 đạt 100%); cấp trung học cơ sở đạt 98,52%; cấp trung học phổ thông đạt 100%.

Toàn tỉnh đạt 08 giải trong cuộc thi học sinh giỏi môn Tin học cấp quốc gia, trong đó: 01 giải Nhất, 03 giải Ba, 04 giải Khuyến khích.

 Cấp mầm non đạt 42,82% số trẻ em được làm quen với máy tính. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cung cấp.

Cấp mầm non đạt 42,82% số trẻ em được làm quen với máy tính. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cung cấp.

Về giao tiếp trên môi trường số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình: 82/82 thủ tục hành chính (đạt 100%); 100% hồ sơ được cập nhật thông tin xử lý trên phần mềm một cửa điện tử VNPT- iGate.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và 100% cơ sở giáo dục thực hiện quản lý hồ sơ công việc trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; 593/593 (đạt 100%) cơ sở giáo dục cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

Tích cực tổ chức truyền thông trên nền tảng số trên Cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo, trang Facebook của Sở; tổ chức triển khai tuyển sinh trực tuyến vào lớp 10 cấp trung học phổ thông; triển khai hiệu quả hệ thống phòng họp trực tuyến để tổ chức họp, hội nghị trực tuyến, hội thảo, tập huấn,...

Học sinh, sinh viên vùng khó khăn gặp rào cản trong tiếp cận công nghệ thông tin

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn tồn tại một số hạn chế, đó là:

Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục: Hiện tại chưa triển khai thuê được Kho lưu trữ và Hệ thống thu thập, hiển thị, phân tích trợ giúp quản lý, chỉ đạo, điều hành và báo cáo giáo dục toàn ngành (đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để xây dựng), nên dữ liệu của các cơ sở giáo dục hiện đang lưu trữ phân tán tại các nhà cung cấp nền tảng giáo dục, ổ đĩa cứng hoặc các nền tảng lưu trữ trực tuyến, chưa hình thành được dữ liệu lớn để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích, khai thác hiệu quả dữ liệu hiện có.

Hồ sơ, học bạ của học sinh mới dừng ở mức độ tin học hóa chứ chưa thực sự trở thành hồ sơ, học bạ điện tử do thiếu quy định đồng bộ trong toàn bộ hệ thống giáo dục.

Chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá: Một số giáo viên, giảng viên còn hạn chế kỹ năng sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy và học, chưa có kinh phí để triển khai các phần mềm dạy học bản quyền, chủ yếu dùng bản miễn phí, dùng các phần mềm đơn lẻ để tổ chức dạy học trực tuyến, không hình thành được dữ liệu lớn để đánh giá được năng lực cá nhân học sinh.

Nhiều học sinh, sinh viên ở vùng khó khăn thiếu thiết bị thông minh, không có Internet hoặc đường truyền Internet không đảm bảo để tham gia học trực tuyến.

Giao tiếp trên môi trường số: Hồ sơ phát sinh các thủ tục hành chính mức độ 4 do người dân sử dụng còn thấp.

Ngoài ra, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu; nhiều thiết bị đã hết thời gian khấu hao sử dụng do được đầu tư từ lâu; nhiều điểm trường không có mạng; các phần mềm, nền tảng trong quản lý nhà trường, tổ chức dạy và học chưa đồng bộ, liên thông giữa các cấp học và giữa các phần mềm, nền tảng.

Trước những tồn tại, hạn chế đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đề xuất tiếp tục phối hợp với VNPT, Viettel tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đến các điểm trường hiện đang sử dụng USB 4G; hỗ trợ xây dựng giáo dục thông minh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/ket-luan-cua-bo-chinh-tri-ve-tiep-tuc-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-post244820.gd

Thúy Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lao-cai-nang-cap-ha-tang-cntt-den-cac-diem-truong-thi-diem-hoc-ba-so-tieu-hoc-post246319.gd