Lào Cai: Phát hiện loài rắn mới trên đỉnh núi Fansipan
Loài rắn mới này được các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam phát hiện ở độ cao 2600 mét trên đỉnh núi Fansipan (Sa Pa) trong Vườn quốc gia Hoàng Liên của tỉnh Lào Cai.
Theo Vườn quốc gia Hoàng Liên, trong tháng 9, một loài rắn mới vừa được phát hiện và công bố tại khu vực núi cao Hoàng Liên của thị xã Sa Pa dựa trên một mẫu vật đực trưởng thành. Rắn hoa cỏ H'mông, tên khoa học là Rhabdophis hmongorum.
Đây là loài thứ 32 trong giống Rắn hoa cỏ Rhabdophis trên thế giới và là loài thứ 9 tại Việt Nam. Loài bò sát mới này được mô tả sau 10 năm tại dãy núi Hoàng Liên Sơn và có tên khoa học: Rhabdophis hmongorum Kane, Tapley, La and Nguyen; Tên tiếng anh: H’mong keelback snake,tên tiếng Việt: Rắn hoa cỏ H'mông
Tên loài được đặt theo tên dân tộc H'mông, để tri ân những người dẫn đường dân tộc H'mông đã đồng hành cùng tác giả trong quá trình thực hiện dự án bảo tồn các loài Lưỡng cư tại Fansipan từ 2017 tới nay.
Đây là kết quả trong khuôn khổ hợp tác giữa Vườn quốc gia Hoàng Liên (Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên), Hội động vật Luân Đôn, Tổ chức Indo-Myanmar Conservation và Bảo tàng Quốc gia Úc nhằm nghiên cứu và bảo tồn các loài lưỡng cư và bò sát tại dãy Hoàng Liên giai đoạn 2022-2027.
Loài rắn mới này được mô tả ở độ cao 2600 m đỉnh núi Fansipan của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đây là loài thứ 32 trong giống Rắn hoa cỏ Rhabdophis trên thế giới và là loài thứ 9 tại Việt Nam.
Một số đặc điểm nhận dạng loài mới như sau: Cơ thể hình trụ; chiều dài thân 409 mm từ mõm tới huyệt, đuôi dài 106 mm. Có 17 hàng vảy quanh thân ở gần cổ, 17 hàng ở giữa thân và 15 hàng quanh thân ở gần lỗ huyệt. Bụng có 151 hàng vảy, dưới đuôi có 59 hàng vảy chia. Vảy lưng có gờ với 5 hàng giữa lưng phát triển nhất. Có 25 răng lá mía, với 2 răng trong cùng phát triển và dài nhất. Toàn thân màu xám hồng, mắt màu đen với con ngươi màu đồng ở phần trên. Cằm màu trắng xám. Mặt bụng với các vảy màu nâu sáng óng ánh.
Loài rắn mới có thể phân biệt với các loài khác trong cùng giống bởi đặc điểm số răng hàm trên, các đặc điểm vảy ở thân và khác biệt về di truyền với sự sai khác khoảng 4% ở một đoạn trình tự gen ti thể (cytb).
Một mẫu vật thu thập từ khu vực châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Honghe, Yunnan) đã được công bố trình tự di truyền trên Ngân hàng gen (GenBank) có sự trùng khớp với mẫu vật được mô tả trong bài báo này.
Điều này cho thấy vùng phân bố của loài rắn mới không giới hạn ở Việt Nam mà cả ở Trung Quốc.
Các nghiên cứu tiếp theo cần được tiến hành nhằm tìm hiểu về vùng phân bố cũng như lịch sử tự nhiên và các đặc điểm sinh học của loài này.
Kết quả cho thấy cần tiếp tục các nghiên cứu về đa dạng các loài bò sát tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, cũng như dãy núi Hoàng Liên Sơn và tăng cường sự hợp tác giữa Vườn quốc gia Hoàng Liên với các cơ quan, đơn vị trong nước và quốc tế về nghiên cứu và bảo tồn các loài động vật hoang dã.