Lào Cai tháo gỡ khó khăn cho người trồng dứa
Xuất khẩu sản phẩm dứa đã qua chế biến của Việt Nam chủ yếu sang thị trường Nga, Ukraine và các nước châu Âu.
Vì vậy, việc căng thẳng giữa Nga-Ukraine trong thời gian gần đây đang khiến hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ quả dứa của nông dân xã bản Lầu, huyện Mường Khương.
Đang vào chính vụ thu hoạch dứa nhưng tại các vùng trồng dứa ở Bản Lầu, Lùng Vai không có bóng người thu hoạch. Người nông dân ở vùng đất được coi là thủ phủ dứa của tỉnh Lào Cai gặp nhiều khó khăn do phân bón, vật tư nông nghiệp, nhân công đều tăng, giờ lại thêm khâu tiêu thụ bị gián đoạn. Nông dân như ngồi trên “đống lửa” khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư nay có nguy cơ mất trắng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thiện ở thôn Na Mạ 1 trồng 6 vạn gốc dứa ước sản lượng đạt 30 tấn hiện mới chỉ bán được 1/3 sản lượng với giá dưới 3.000 đồng/kg. Theo anh Thiện, bình quân một ha dứa như năm 2021 bán đi thu được 100 triệu đồng/ha, lãi khoảng 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, với giá bán như hiện nay không đủ cả tiền trả chi phí nhân công và phân bón.
Các đầu mối chuyên thu mua dứa tại Mường Khương cung cấp cho các nhà máy chế biến tại khu vực phía Bắc cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh và tình hình căng thẳng tại Ukraine đang khiến việc tiêu thụ sản phẩm dứa chế biến gặp nhiều khó khăn, dẫn đến họ không dám thu mua với khối lượng lớn. Nhiều đầu mối dù đã đặt cọc cũng phải chấp nhận mất khoản tiền này vì nếu thu mua không tiêu thụ được thì còn thiệt hại nặng hơn.
Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Khương cho biết, tổng diện tích trồng dứa toàn huyện đến thời điểm hiện tại là 1.368 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch từ nay đến tháng 5/2022 là 375 ha. Từ đầu vụ đến nay đã thu hoạch 5.350 tấn.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, các doanh nghiệp, thương lái tạm dừng thu mua dứa nguyên liệu với lý do các doanh nghiệp tại Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng (các doanh nghiệp này chủ yếu chế biến xuất khẩu sang thị trường Nga và Ukraine) nên việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ quả dứa bị đình trệ.
Đến thời điểm hiện tại, việc tiêu thụ sản phẩm dứa chủ yếu phụ thuộc vào thị trường hoa quả tươi trong nước, bình quân mỗi ngày chỉ tiêu thụ được từ 3 - 5 tấn, với giá bán khoảng 3.000 - 3.500 đồng/kg.
Trước tình hình trên, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tập trung các biện pháp tháo gỡ đầu ra tiêu thụ dứa quả tươi, hạn chế chế thiệt hại cho người dân.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Lào Cai đã kết nối với đại diện hệ thống siêu thị VinMart tại Hà Nội nhằm đưa quả dứa vào hệ thống chuỗi siêu thị trong nước, mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản Mường Khương. Tuy nhiên, hệ thống siêu thị này yêu cầu quả dứa phải đạt tiêu chuẩn trọng lượng từ 0,7kg/quả trở lên và phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cũng chủ động mời gọi các doanh nghiệp, đồng thời làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ xúc tiến, tiêu thụ dứa cho huyện Mường Khương.
Với nỗ lực quảng bá sản phẩm và sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, trong hai ngày qua, các doanh nghiệp và đơn vị chế biến đã bắt đầu quay lại mua quả dứa tươi cho nông dân ở các xã Bản Lầu, Lùng Vai… trung bình mỗi ngày thu mua khoảng từ 150 đến 200 tấn dứa quả.
Cụ thể, giá dứa hiện nay mà các doanh nghiệp chế biến và tư thương thu mua là từ 4.500 đồng/kg với quả dứa loại 1 (từ 700g/quả trở lên) và 3.500 đồng/kg với quả dứa loại 2 (quả dưới 700g).
Một tín hiệu vui nữa là hiện tại, Nhà máy chế biến dứa hộp xuất khẩu đặt tại xã Lùng Vai (Mường Khương) đã hoạt động trở lại. Nhà máy thay đổi phương thức thu mua dứa nguyên quả tại nhà máy bằng phương thức thu mua dứa đã sơ chế (gọt vỏ và bỏ mắt). Cách làm này nhằm tiết giảm chi phí vận chuyển, nhân công, bãi chứa vỏ dứa thải ở nhà máy, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho người trồng dứa.
Ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bản Lầu, địa phương có diện tích dứa lớn nhất huyện Mường Khương (khoảng hơn 1.150 ha), cho biết, với giá quả dứa như hiện nay, người trồng chỉ hòa vốn mà không có lãi, bởi 1ha dứa cho thu trên dưới 30 tấn quả, giá bán bình quân như hiện nay (cả loại 1 và loại 2) là 4.000 đồng/kg chỉ đủ chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiền công.
Tuy nhiên, tiêu thụ được dứa với giá trên đã là một tín hiệu rất đáng mừng đối với người nông dân địa phương. Để xây dựng thương hiệu và từng bước nâng tầm giá trị quả dứa ở Bản Lầu, địa phương cũng đang chuẩn bị hồ sơ để trong tháng 4 các ngành hưu quan xem xét công nhận dứa quả Bản Lầu đạt sản phẩm OCOP để việc chào hàng được thuận lợi hơn.
Hện nay, huyện Mường Khương có 1.368ha dứa; trong đó, xã Bản Lầu được coi là thủ phủ dứa của huyện Mường Khương với gần 1.200 ha, sản lượng trung bình hằng năm từ 22.000 - 25.000 tấn quả, đem về cho đồng bào bào dân tộc H’Mông, Dao ở vùng đất biên giới này hàng chục tỷ đồng. Dứa được coi là cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo hiệu quả của người dân địa phương./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lao-cai-thao-go-kho-khan-cho-nguoi-trong-dua/236877.html