Lào Cai: Thiệt hại gần 6.000 tỷ đồng, bàn phương án ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã chủ trì cuộc họp bàn phương án khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3, ổn định đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chiều ngày 22/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã chủ trì cuộc họp bàn phương án khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3, ổn định đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố… của tỉnh Lào Cai.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, chưa bao giờ Lào Cai chịu ảnh hưởng của thiên tai trên phạm vi toàn tỉnh và thiệt hại nặng nề về người, tài sản của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước như cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương vừa khắc phục thiệt hại thiên tai vừa thực hiện tái thiết, khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với thiệt hại về người, cần đặc biệt quan tâm đến công tác cứu chữa, chính sách hỗ trợ người bị thương; đối với những người còn mất tích, sau khi hết thời gian tìm kiếm cần thực hiện các thủ tục tuyên bố người mất tích như thế nào. Về tái thiết, phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần lưu ý 3 nội dung chính: Hỗ trợ ổn định đời sống Nhân dân; trong đó cấp bách nhất hiện nay là vấn đề nhà ở, tiếp theo là hỗ trợ học phí cho học sinh và hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp; Tái thiết cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, nước sạch, thủy lợi…); Sản xuất dịch vụ kinh doanh (công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ…).
Theo số liệu báo cáo đến chiều ngày 21/9, toàn tỉnh Lào Cai có 201 người chết, mất tích, bị thương; hơn 10.400 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi, sụt lún, di dời khẩn cấp, hư hỏng công trình phụ. Ước thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trên 800 tỷ đồng; ước tính tổng sản lượng lương thực, rau màu thiệt hại khoảng 21.500 tấn. Hư hỏng, thiệt hại 188 công trình cấp nước sạch nông thôn, 382 công trình thủy lợi. Ước tổng thiệt hại gần 6.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Du lịch, Công Thương báo cáo tình hình thiệt hại cụ thể đối với các lĩnh vực phụ trách; đồng thời đề xuất phương án hỗ trợ và nguồn kinh phí cần để khắc phục, thực hiện trong các lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng trường học, y tế, trụ sở cơ quan, đơn vị…, các tuyến đường giao thông; miễn học phí năm học 2024 - 2025, mua sắm sách giáo khoa, trang thiết bị trường học, đất đai, khôi phục du lịch, khoáng sản, nhà máy thủy điện, cung cấp điện, chợ, tình hình xuất nhập khẩu,…; thực hiện phân bổ nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn cứu trợ cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.
Báo cáo nhanh tại cuộc họp, lãnh đạo UBND các huyện Bảo Yên cho biết đã triển khai thực hiện các chính sách chế độ, công tác hỗ trợ đối với những người bị thương, gia đình người thiệt mạng do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão; thực hiện tiếp nhận, điều phối nguồn hàng cứu trợ, ủng hộ. Địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá thiệt hại về nhà ở, công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân; rà soát các khu vực nguy cơ sạt lở cao, di chuyển người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đề xuất ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ giống lúa, ngô, hạt rau các loại; hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở, sụt lún, hư hỏng… trên các tuyến đường giao thông, công trình thủy, trụ sở cơ quan, đơn vị; ước hụt thu ngân sách trong năm 2024 trên địa bàn huyện…
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc trực tiếp tại Lào Cai và yêu cầu triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là các giải pháp hậu bão lũ. Do đó các địa phương cần thay đổi cách chỉ đạo điều hành; không chỉ quan tâm đến các sự việc thời vụ mà cần đảm bảo tổng thể toàn diện, ổn định cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát, nắm chắc tình hình cơ sở để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Việc sử dụng các nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai phải đảm bảo công khai, hiệu quả, bài bản, khoa học...