Lào, Campuchia học hỏi mô hình doanh nghiệp 'bắt tay' với hàng trăm hộ dân
Ông Meas Pyseth, Phó Quốc vụ khanh Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Campuchia cho biết rất ấn tượng với mô hình một doanh nghiệp liên kết với hàng trăm hộ dân trồng hoa tại Đà Lạt.
3 ngày qua, gần 300 đại biểu là lãnh đạo bộ, ngành, doanh nghiệp và nông dân tiêu biểu đã tham gia chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân 3 nước Đông Dương tổ chức tại TP.Đà Lạt, trong đó có hơn 60 đại biểu đến từ Lào và Campuchia.
Sau khi tham dự hội kiến giữa lãnh đạo các đoàn, hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và tham quan một số mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản tại TP.Đà Lạt, ông Meas Pyseth cho hay rất ấn tượng với mô hình một doanh nghiệp liên kết với hàng trăm hộ dân như ở công ty Dalat Hasfarm.
Theo ông Meas Pyseth, nhiều nơi ở Campuchia cũng có tình trạng hộ nông dân sở hữu diện tích đất sản xuất nhỏ, lẻ nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, cần học hỏi mô hình như một số công ty ở Đà Lạt.
Dalat Hasfarm hiện là công ty hoa tươi lớn nhất Đông Nam Á với mức tăng trưởng doanh thu 2 con số; chuyên sản xuất, phân phối ngọn giống, hoa cắt cành và hoa chậu ở thị trường trong nước và xuất khẩu; mỗi năm trồng tới 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống cung ứng cho thị trường khắp thế giới.
Công ty sản xuất hoa theo quy trình khép kín, ứng dụng công nghệ cao và đáp ứng được những tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe. Hiện Dalat Hasfarm đã xuất khẩu hoa tới hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, đặc biệt là thị trường khó tính Nhật Bản.
Để đạt được điều đó, theo ông Aad Gordijn (Tổng giám đốc công ty TNHH Dalat Hasfarm), điều quan trọng nhất là có diện tích đất sản xuất đủ lớn; mặt khác phải có quy trình sản xuất hiện đại, quản lý chất lượng sản phẩm trước và sau thu hoạch bài bản.
Mặc dù có tới 190ha nhà kính, Dalat Hasfarm vẫn liên kết với hàng trăm hộ dân ở Đà Lạt để mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng. “Khi xuất khẩu hoa, doanh nghiệp phải đáp ứng được sản lượng lớn để vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường thủy thì mới thực sự có ý nghĩa cạnh tranh trên thị trường”, ông Aad Gordijn chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Dalat Hasfarm, nông dân Đà Lạt cần cù, sáng tạo, làm hoa lâu năm nhưng nghề trồng hoa vẫn chưa trở nên chuyên nghiệp vì quy mô trang trại còn quá nhỏ, diện tích trung bình chỉ khoảng 2000-5000m2/hộ. Vì quy mô trang trại nhỏ nên người trồng hoa thiếu thốn về tài chính và không có đủ nguồn lực để đầu tư vào công nghệ cao, nhà kính hiện đại cũng như sẽ không có nhiều sự đổi mới và rất khó khăn để đáp ứng đủ sản lượng.
Ngành trồng hoa của mỗi tỉnh, thành nói riêng và quốc gia nói chung, muốn phát triển chuyên nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, trước hết phải xây dựng được những doanh nghiệp đủ tầm cỡ hoặc các trang trại của nông dân phải liên kết với nhau để tạo nên vùng sản xuất, hệ sinh thái trồng hoa quy mô lớn.