Lao động đi làm việc ở nước ngoài: Những kết quả ban đầu

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Không chỉ đóng góp nguồn ngoại tệ quan trọng, hoạt động này còn giúp nâng cao tay nghề, tác phong làm việc và mở ra cơ hội phát triển cho người lao động. Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Bình Thuận đang gặt hái nhiều kết quả tích cực.

Gần 900 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp phối hợp các công ty, đơn vị có uy tín về xuất khẩu lao động tư vấn cho người lao động. Từ năm 2023 đến nay, Sở đã phối hợp với 15 doanh nghiệp uy tín tổ chức tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh, hoàn thiện thủ tục và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các cơ quan, địa phương, đơn vị thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp trong quá trình tư vấn, tuyển chọn lao động cũng như chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc giải quyết kịp thời phối hợp giải quyết. Hầu hết, các công ty, doanh nghiệp đều thực hiện tốt công tác phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Thuận trong việc tổ chức tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động, nhất là trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ hỗ trợ cho người lao động đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng hưởng chế độ chính sách theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã đưa được 878 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, Ba Lan, Ma Cao, Saudi Arabia, Nga, Malaysia, Hungary, Bahrain, Hy Lạp, Marshall Islands, Phần Lan, Romania, Singapore.

Nhà tuyển dụng tư vấn giới thiệu việc làm ngoài nước cho lực lượng lao động trẻ tại huyện Đức Linh.

Nhà tuyển dụng tư vấn giới thiệu việc làm ngoài nước cho lực lượng lao động trẻ tại huyện Đức Linh.

Người lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đa số là lao động phổ thông, những ngành nghề phổ biến bao gồm: Nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng, thợ vận hành máy móc, thiết bị xử lý khai khoáng, hộ lý, giúp việc gia đình, thuyền viên… Mặc dù phần lớn lao động là phổ thông người lao động vẫn có cơ hội nâng cao tay nghề, tiếp thu công nghệ hiện đại, phong cách làm việc chuyên nghiệp, được rèn luyện tác phong và kỷ luật cao từ môi trường quốc tế. Thông qua xuất khẩu lao động đã góp phần giúp tỉnh giảm sức ép về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời tăng thu ngoại tệ cho địa phương, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đa số người lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài đều chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật nước sở tại, đoàn kết, có ý thức trách nhiệm, tinh thần dân tộc, đồng thời tích cực quảng bá bản sắc văn hóa, hình ảnh, con người Bình Thuận nói riêng và đất nước nói chung đến bạn bè quốc tế.

Giám sát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng lừa đảo lao động

Nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, đặc biệt là tình trạng lừa đảo lao động hoặc đưa người đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên nắm bắt theo dõi tình hình người lao động đi làm việc ở nước ngoài, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đưa ra các giải pháp trong công tác quản lý lao động. Phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình lao động để tuyên truyền, vận động người lao động tuân thủ hợp đồng lao động, trở về nước đúng thời hạn nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, hệ lụy khi ở lại làm việc bất hợp pháp. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những khó khăn phát sinh trong quá trình lao động ở nước ngoài.

Điều đáng ghi nhận là, trong giai đoạn 2023 - 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động. Điều này cho thấy hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Với sự nỗ lực của địa phương, sự thành công của xuất khẩu lao động không chỉ được đo lường bằng số lượng lao động hay mức thu nhập mà còn ở những giá trị dài hạn mà nó mang lại. Các lao động sau khi trở về nước đã mang theo những kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc và kinh nghiệm quản lý hiện đại. Những giá trị này góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động tại địa phương.

T.DUYÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-nhung-ket-qua-ban-dau-126443.html