Kinh tế Việt Nam quay lại giai đoạn tăng trưởng mạnh của thời kỳ 2016-2019

Sáng 12-12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo Người Lao Động tổ chức phiên thứ 4 của Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2024.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: BTC

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: BTC

Chia sẻ thông tin về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, năm 2025, tình hình kinh tế thế giới dự báo sẽ có nhiều biến động. Với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam không tránh khỏi những tác động trực tiếp và gián tiếp trước những thay đổi trên.

Về cơ hội, dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể chuyển dịch sang Việt Nam và thị trường xuất khẩu rộng mở hơn. Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng đặt ra nhiều thách thức như tình hình lạm phát dai dẳng trên toàn cầu và biến động tài chính, làm tăng chi phí sản xuất và sụt giảm nhu cầu nhập khẩu của các thị trường.

Để thích ứng và phát triển, theo ông Cấn Văn Lực, doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội về các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền. Đồng thời, nắm bắt các xu hướng lớn về phát triển kép “Xanh hóa và số hóa”, phát triển bền vững, đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các công nghệ mới (AI, tự động hóa, an ninh mạng...); đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, kinh doanh tuần hoàn…

Đưa ra mục tiêu cho năm 2025, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu, mục tiêu của Quốc hội đề ra tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 6,5-7% nhưng Chính phủ mong muốn tăng trưởng 8% và mới đây đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Điều này có cơ sở vì kinh tế Việt Nam hiện đang quay lại giai đoạn tăng trưởng mạnh của thời kỳ 2016-2019.

Diễn đàn được tổ chức qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: BTC

Diễn đàn được tổ chức qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: BTC

Ngoài ra, các yếu tố khác như tỷ giá ổn định, giúp các nhà đầu tư yên tâm. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế liên tục tăng hạng cho Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam cũng khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và thời gian tới, sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, hạn chế rủi ro khi xuất khẩu tập trung vào một số thị trường như trước đây. Đặc biệt, các dự án luật thông qua mới đây cũng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực phát triển kinh tế.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, trong quá trình nghiên cứu thể chế suốt hơn 30 năm, vấn đề lớn nhất là chúng ta đưa ra quá nhiều quy định khiến thị trường không thể vận hành hiệu quả. Khi chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, nhiều luật đã được ban hành nhưng một số lại tự trói mình, rồi lại phải cởi trói. Vì thế, nếu không cải cách mạnh mẽ thể chế và cắt giảm thủ tục hành chính, chúng ta không thể giảm được công cụ, quy trình và thời gian.

Về phía doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam, chia sẻ, ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu, với nhiều ngành giữ vị trí hàng đầu như hồ tiêu, cà phê và gạo. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển hơn nữa, Nhà nước cần có ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tàu để kéo toàn ngành phát triển như: Chính sách ưu đãi về vốn; mở rộng thị trường tiêu thụ; về giảm, miễn thuế; chính sách tiền thuê đất; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu…

Cũng theo ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tham dự, năm 2025 trở đi, với hạ tầng được cải thiện, chi phí logistics có thể giảm đáng kể, cùng với sự đầu tư của Chính phủ vào năng lượng và hạ tầng số, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn và có thể hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra. Muốn vậy, Nhà nước cần tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư.

Kết luận Diễn đàn Kinh tế 2024, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cho rằng, năm 2024 là một năm đầy biến động trên thế giới và khu vực. Tuy nhiên, dù gặp một số khó khăn và thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ và đáng ghi nhận.

"Nếu không có thêm những biến động lớn, bất khả kháng trong năm 2025 và các năm tiếp theo, tôi tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ đạt được nhiều dấu ấn nổi bật", Tổng Biên tập Tô Đình Tuân nhấn mạnh.

Hà Phạm

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kinh-te-viet-nam-quay-lai-giai-doan-tang-truong-manh-cua-thoi-ky-2016-2019-687186.html