Lao động độ tuổi 40 chật vật tìm việc

Phần lớn thông báo tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp là ưu tiên tuyển lao động từ 20 đến 30 tuổi. Với những lao động ở tuổi 40, cơ hội tìm việc làm càng hẹp, nhất là với lao động không cần tay nghề.

Chật vật tìm việc làm

Đi từ Thường Tín (Hà Nội) lên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để tìm việc tại phiên giao dịch việc làm các tỉnh phía Bắc mới đây, anh Nguyễn Đình Phúc (40 tuổi) mong muốn đi tìm việc, bởi anh đã nghỉ việc được gần 6 tháng.

Anh Phúc trước đây từng làm nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa máy may công nghiệp cho một công ty của Nhật Bản, với mức lương 14 - 16 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp khó khăn, anh thuộc diện bị cắt giảm nhân sự nên phải nghỉ việc. Anh đã nộp hơn 10 hồ sơ xin việc, nhưng các doanh nghiệp đều trả lời sẽ trao đổi sau. “Càng lớn tuổi, đi tìm việc sẽ càng khó. Đa số doanh nghiệp muốn tìm lao động trẻ để dễ thỏa thuận mức lương và điều kiện làm việc”, anh Phúc chia sẻ.

Anh Nguyễn Đình Phúc đang trao đổi thông tin việc làm với đơn vị tuyển dụng.

Anh Nguyễn Đình Phúc đang trao đổi thông tin việc làm với đơn vị tuyển dụng.

Còn chị Nguyễn Thị Hiền, nghỉ việc tại một doanh nghiệp tại Thái Nguyên cuối năm 2023 cho biết: “Lao động trẻ làm việc trong các dây chuyền thường cần ít kỹ năng, chỉ cần huấn luyện 1 tuần là có thể làm việc được. Tuy nhiên, các đơn vị chỉ ký hợp đồng theo một khung thời gian nhất định. Hết hợp đồng, họ sẽ tuyển lứa mới”.

Chị Trần Thị Thoan, 42 tuổi (Ý Yên, Nam Định) có thâm niên làm may mặc tới 11 năm. Năm 2023, công ty khó khăn nên phải đóng cửa, chị và đồng nghiệp đều thất nghiệp. Dù đã nộp hồ sơ ở một số doanh nghiệp nhưng đều bị từ chối với lý do không tuyển người lớn tuổi. Chị Thoan chia sẻ: “Nhiều đồng nghiệp lớn tuổi cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Do đó, tôi đang định chuyển hướng học nghề làm bánh để chuyển đổi nghề phù hợp hơn”.

Cũng giống như anh Phúc, chị Thoan, lao động lớn tuổi đều đang tìm việc để ổn định cuộc sống tại thành phố có chi phí đắt đỏ. Theo ghi nhận của nhiều trung tâm dịch vụ việc làm, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở các lĩnh vực như da giày - may mặc, kinh doanh - quản lý, công nghệ thông tin, kỹ thuật - cơ khí... Trong đó có khoảng 30% là lao động phổ thông, đòi hỏi ít kỹ năng tay nghề, các lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng nghề trung cấp, cao đẳng, đại học chiếm khoảng 40%.

Mặc dù có chỉ tiêu tuyển lao động, nhưng đa số các doanh nghiệp chỉ tuyển lao động từ 18 - 35 tuổi, có tay nghề. Rất ít doanh nghiệp tuyển dụng công nhân trên 40 tuổi, nhất là ở các lĩnh vực cần cường độ làm việc cao và tốn nhiều sức như may mặc, cơ khí, chế biến gỗ...

Hướng chuyển nghề phù hợp

Phân tích các chỉ tiêu tuyển dụng những tháng đầu năm, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Các doanh nghiệp ở Hà Nội tuyển dụng nhiều lao động trong độ tuổi từ 18 - 30 để đa dạng vị trí việc làm. Tuy vẫn tuyển người trên 35 tuổi làm quản lý, trưởng - phó phòng, yêu cầu có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, nhưng số lượng ít hơn. Mỗi doanh nghiệp có cách thức riêng trong công tác sử dụng lao động. Việc tuyển dụng lao động phụ thuộc vào vị trí việc làm ở từng doanh nghiệp. Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nếu doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động làm trong dây chuyền sản xuất, họ tuyển người trẻ, có sức khỏe tốt, chỉ cần trình độ sơ cấp”.

Tìm kiếm thông tin vị trí việc làm.

Tìm kiếm thông tin vị trí việc làm.

Ông Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - truyền thông quốc tế cho rằng, hiện nay cũng có doanh nghiệp lợi dụng tình hình khó khăn để cắt giảm lao động lớn tuổi, vốn có lương cao để tuyển lao động trẻ tuổi với mức lương thấp và năng suất làm việc cao hơn. Vì thế, lao động lớn tuổi ít có cơ hội tìm được việc làm mới. Người lao động lớn tuổi cần có ý thức nâng cao, trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu công việc, không thể chỉ làm một việc đơn giản trong nhiều năm.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần diễn ra khá phổ biến đối với lao động làm các công việc giản đơn, chưa được đào tạo kỹ năng, hoặc ở ngành nghề đòi hỏi kỹ năng thấp như may mặc, giày da, chế biến thủy sản... Để khắc phục tình trạng này, đối với các ngành, nghề có tuổi nghề thấp, ngoài chính sách ưu đãi về tuổi nghỉ hưu, điều quan trọng là các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp để tiếp tục sử dụng và phát huy những kinh nghiệm, sức lao động của người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai các chương trình đào tạo nghề nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề cho người lao động. Đây được coi là giải pháp căn cơ, giải quyết gốc rễ vấn đề, giúp người lao động không bị sa thải, hoặc bị ngừng việc khi tuổi còn trẻ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng kết đánh giá Luật Việc làm năm 2013, xây dựng hồ sơ đề nghị trình Chính phủ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, không chỉ có các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm, mà còn có các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Bài, ảnh, clip: XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/lao-dong-do-tuoi-40-chat-vat-tim-viec-20240309221746693.htm