Lao động mất việc trước Tết Nguyên đán được hưởng những khoản tiền gì?
Vì nhiều lý do, một số lao động bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động trước Tết Nguyên đán. Vậy, những trường hợp này sẽ được hưởng những quyền lợi gì theo quy định?
Công nhân Công ty TNHH Tashua (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) bị cho thôi việc vì doanh nghiệp không có đơn hàng. Ảnh: Cao Hường
Tết Nguyên đán đã cận kề. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lao động bị mất việc trước Tết. Một phần, là do doanh nghiệp khó khăn buộc phải cắt giảm nhân sự, nhưng vẫn chi trả đầy đủ các khoản lương, thưởng Tết. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp sa thải người lao động nhằm mục đích không phải thưởng Tết.
Theo Luật sư Hà Thị Tuyết, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên, thưởng Tết không phải là khoản tiền mà doanh nghiệp bắt buộc phải dành cho người lao động vào dịp cuối năm. Pháp luật cũng không có quy định nào về việc người lao động nghỉ việc vào cuối năm thì có được thưởng không. Do đó, trên thực tế khi người lao động chia tay doanh nghiệp vào lúc cận kề Tết thì thường không có thưởng Tết thế nhưng bù lại người lao động vẫn có cơ hội nhận được các khoản tiền sau:
1. Tiền lương cho những ngày phép chưa nghỉ
Theo Bộ Luật Lao động năm 2019, trường hợp người lao động thôi việc hoặc mất việc làm mà chưa được nghỉ phép hoặc chưa nghỉ hết số ngày phép thì được doanh nghiệp thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Lưu ý: Chỉ những người lao động nghỉ việc mới được thanh toán khoản tiền này, còn những người vẫn đang tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp thì theo luật mới không còn được nhận khoản tiền này dù còn dư phép. Cách duy nhất là vào cuối năm, người lao động cần thanh lý phép mà thôi.
2. Tiền trợ cấp thôi việc
Cũng theo Bộ Luật Lao động năm 2019, trợ cấp thôi việc được chi trả cho người lao động đáp ứng đủ điều kiện sau:
+ Nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động.
+ Đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.
Theo đó, nếu đủ điều kiện thì mỗi năm làm việc người lao động sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Tuy nhiên, bạn nên biết rằng thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Từ năm 2009, tất cả người lao động được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, chỉ những người lao động có thời gian làm việc tại doanh nghiệp đó từ trước năm 2009 hoặc người lao động có thời gian thử việc, nghỉ thai sản, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên sẽ nhận được khoản tiền này khi nghỉ việc.
3. Tiền trợ cấp mất việc làm
Bộ Luật Lao động năm 2019 cũng nêu rõ trường hợp người lao động phải nghỉ việc do công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, chia tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển quyền sở hữu và đã làm việc tại doanh nghiệp tư đủ 12 tháng trở lên thì sẽ được nhận tiền trợ cấp mất việc làm.
Mức trợ cấp cho mỗi năm làm việc bằng một tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương. Tương tự như việc trợ cấp thôi việc thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
4. Tiền bảo hiểm thất nghiệp
Theo luật việc làm, để được hưởng khoản tiền này, người lao động cần đáp ứng các điều kiện sau:
+ Đã nghỉ việc.
+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi nghỉ việc.
+ Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại trung tâm dịch vụ việc làm.
+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Mức tiền bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được nhận hàng tháng bằng với 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.