Lao động nữ trung niên khó tìm việc làm
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) không tuyển dụng lao động (LĐ) ở độ tuổi 35 - 40, đặc biệt là LĐ nữ phổ thông, chưa qua đào tạo. Trong bối cảnh thị trường LĐ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, LĐ nữ trung niên là nhóm chịu tác động nặng nề nhất, bởi hành trình đi tìm việc làm mới rất khó khăn.
Lo lắng vì lớn tuổi
Tại phiên giao dịch việc làm tổ chức ở huyện Bình Sơn vào trung tuần tháng 4 vừa qua, chị Bùi Minh Hương (43 tuổi), ở xã Bình Thuận (Bình Sơn), cho biết: “Tôi đến tìm việc làm, nhưng chưa thấy công việc nào phù hợp. Công ty không giới hạn độ tuổi, nhưng công việc nặng nhọc, tôi sợ mình không làm được. Công ty thấy tôi thì từ chối, vì cho rằng tuổi tôi cao lại chưa có tay nghề”.
Lao động nữ tìm việc làm tại Phiên giao dịch việc làm đầu năm 2021.
Chị Hương trước đây làm việc ở một xưởng cá trên địa bàn, nhưng do tính chất công việc thường xuyên tiếp xúc với nước, da tay bị bong tróc, nên chị không thể tiếp tục công việc. Tuy nhiên, để tìm được một công việc mới cũng không dễ dàng gì. Không có việc làm, không có thu nhập, khiến cuộc sống vợ chồng chị lúc nào cũng căng thẳng, phải thắt lưng buộc bụng trong việc chi tiêu.
Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp sau khi thôi việc, bà Nguyễn Thị B (51 tuổi), ở xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) cho hay: Tôi làm việc tại một công ty chuyên về sản xuất đồ gỗ ở KCN Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) đã gần 12 năm. Sau 4 tháng tạm nghỉ không lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì công ty cho nghỉ việc. "Chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi nhận lương hưu, tôi bỗng trở thành người thất nghiệp. Cứ nghĩ có thâm niên, có tay nghề sẽ dễ tìm được việc làm mới, nhưng các công ty đều không nhận, vì tôi đã quá tuổi lao động”, bà B buồn bã chia sẻ.
Cánh cửa hẹp
Theo cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2020, trong tổng số 7.351 hồ sơ nộp hưởng bảo hiểm thất nghiệp có 4.332 LĐ nữ, độ tuổi trên 35 là 938 người (21,6%). Điều dễ nhận thấy là tỷ lệ LĐ thất nghiệp đa phần rơi vào LĐ phổ thông, là công nhân làm việc tại các KCN. Hiện nay, LĐ trên 35 tuổi hầu như không có nhiều cơ hội tìm được việc làm tại các phiên giao dịch việc làm.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đỗ Tiến Tân cho biết: Hầu hết các DN đều giới hạn độ tuổi LĐ trong tuyển dụng. Nguyên nhân là do nhiều DN cho rằng, LĐ lớn tuổi không còn nhanh nhẹn, sức khỏe giảm sút, dẫn tới năng suất LĐ thấp hơn LĐ trẻ. Mặt khác, do phải trả cho nhóm đối tượng này chi phí BHXH cao hơn, nên hầu hết DN đều ưu tiên sử dụng LĐ trẻ, hiệu quả LĐ cao mà tiền lương, chế độ lại thấp hơn. Đây cũng là lý do khiến cánh cửa việc làm trở nên hẹp hơn với LĐ nữ tuổi trung niên. Thậm chí, một số DN còn tìm cách đào thải LĐ nữ trung niên bằng cách chuyển họ sang vị trí công việc nặng nhọc hơn, giảm ngày công LĐ... để LĐ cảm thấy chán nản mà tự xin nghỉ việc.
Trước thực tế này, Trung tâm đã đề ra nhiều phương án hỗ trợ người LĐ tìm việc làm mới và kết nối LĐ mất việc với thị trường LĐ, như trực tiếp kết nối với các đơn vị tuyển dụng tại các KCN trong tỉnh thông qua dịch vụ trực tuyến, tổ chức các sàn giao dịch việc làm... Tuy nhiên, tỷ lệ nữ LĐ tuổi trung niên tìm được việc không nhiều.
Với những LĐ phổ thông, nhất là những LĐ lớn tuổi, họ luôn canh cánh nỗi lo. Bởi nếu chẳng may mất việc, họ sẽ khó có cơ hội tìm kiếm việc làm mới, trở thành LĐ tự do, không được tham gia BHXH, đồng nghĩa với việc sẽ không có nguồn lương hưu khi về già.
Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa thể can thiệp trực tiếp vào việc tuyển dụng, cũng như việc sa thải LĐ của các DN. Vì vậy, bản thân lao động nữ lớn tuổi cần nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp trong lao động sản xuất. Bên cạnh đó, LĐ nói chung, LĐ nữ lớn tuổi nói riêng cũng nên học thêm một số ngành nghề dịch vụ, nghề truyền thống... để khi chẳng may mất việc vẫn có thể tìm kiếm được những cơ hội mới.