Lao động tự do: Vòng luẩn quẩn của rủi ro và thiệt thòi

Không hợp đồng, không bảo hiểm và không được hưởng quyền lợi khi chẳng may có 'sự cố' lao động… là những gì dễ hình dung ở những đối tượng lao động tự do. Đáng nói, đặc thù lao động tự do là công việc vất vả, thu nhập không ổn định, nhưng ít ai quan tâm tới an toàn lao động, hay bệnh nghề nghiệp. Hệ lụy là, nhóm đối tượng lao động này thường trong vòng luẩn quẩn của rủi ro và thiệt thòi.

Chịu nhiều tổn thương

Hàng ngày, ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn có hàng triệu lao động tự do kéo đến tìm việc làm. Những việc họ thường làm là: Phụ hồ, bán hàng, nhân viên phục vụ, giúp việc gia đình... Đáng nói, với nhóm lao động này đều có điểm chung là đối mặt với rất nhiều các nguy cơ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt, vì thu nhập hạn chế, khi gặp các tai nạn lao động nhiều lao động thường tự chữa trị tại nhà, hoặc bỏ qua việc khám bệnh định kỳ.

Đặc thù lao động tự do là công việc vất vả, thu nhập không ổn định, khó có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội. Ảnh: Giang Nam

Đặc thù lao động tự do là công việc vất vả, thu nhập không ổn định, khó có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội. Ảnh: Giang Nam

Chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), mỗi ngày có hàng trăm lao động tự do túc trực, chờ đợi để nhận việc, nhiều nhất là việc bốc hàng, vận chuyển hàng hóa, hoa quả. Hơn 10 năm nay, con đường ngõ mòn vẹt bên sườn chợ đầu mối Long Biên là lối đi về quen thuộc của chị Nguyễn Thị Động (57 tuổi), quê ở Ân Thi, Hưng Yên. Theo lời chị Động, kinh tế gia đình khó khăn, chị và con gái bị tim bẩm sinh buộc phải tha hương, lên Hà Nội làm thuê mưu sinh. Công việc của chị là gánh hàng thuê ở chợ đêm Long Biên. Mỗi ngày, cứ vào khoảng 21 giờ tối chị rời chỗ trọ, quần quật làm cho đến sáng sớm hôm sau. Dù công việc vất vả xuôi ngược nhưng mỗi đêm chở hàng thuê ở chợ chị cũng chỉ kiếm được vỏn vẹn vài chục nghìn đồng. “Hôm nào kiếm được nhiều mối thuê chở hàng thì mình còn có thu nhập, chứ tính tổng thể thu nhập cũng không được là bao. Đó là chưa kể mỗi tháng phải có tiền điện nước, tiền thuốc men cho con…”, chị Động chia sẻ. Chia sẻ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chị chỉ thở dài. Qua chia sẻ được biết, những ảnh hưởng từ nghề nghiệp như: Trẹo cổ, tím người, trẹo tay, vai… vì liên tục kéo xe, vác, dỡ hàng không phải là hiếm. Tuy nhiên, do là công việc tự do nên khi xảy ra sự cố chị đều tự bỏ tiền túi ra điều trị.

Phòng ngừa tai nạn, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm đời sống cho người lao động là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, đối với lao động tự do, việc triển khai các chính sách để bảo đảm mục tiêu nói trên còn nhiều khó khăn. Đáng nói, một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ việc đa số lao động tự do đều không có hợp đồng lao động. Bản thân họ cũng không nhận thức được giá trị của hợp đồng lao động để đòi hỏi các quyền lợi đáng được hưởng. Trong khi đó, thu nhập hạn chế khiến họ cũng khó có đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hệ lụy nhãn tiền là, không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên đến khi bị ốm đau hoặc gặp tai nạn, người lao động mới thấm thía sự thiệt thòi đủ đường.

Cũng là lao động tự do như chị Động, anh Đinh Văn Lượng (quê Ứng Hòa), làm công nhân lắp đặt điện nước cho biết, bản thân đã làm xây dựng tại Hà Nội hơn 1 năm. Từ khi đi làm đến nay, ngoài lương thì những người làm việc như anh không có thêm chế độ gì, ngay cả ký hợp đồng lao động cũng không có. Sau khi trừ các khoản ăn, ở, số tiền anh gửi về cho gia đình hàng tháng không đáng kể. Anh Lượng cho hay, khi đi làm, nỗi lo xảy ra tai nạn lao động luôn thường trực, đặc biệt đã có những trường hợp bị tai nạn song vì không có hợp đồng nên phải tự điều trị mà không nhận được bất kỳ hỗ trợ gì. Mặt khác, chuyện lao động bị nợ lương cũng không hề hiếm. “Biết là làm công việc này có nhiều thiệt thòi nhưng vì mưu sinh nên phải ráng. Nếu không chịu thì cứ nghỉ. Mình cần việc để có thu nhập thì phải chấp nhận…” – anh Lượng chia sẻ.

Theo tìm hiểu, trường hợp như của anh Lượng, chị Động không phải là hiếm. Với lao động tự do, ngoài những khó khăn như công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp thì điểm chung họ phải đối mặt là ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản, nhất là bảo hiểm y tế...

Cần thêm điểm tựa

Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng tại Hội thảo quốc tế “Chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam” cho thấy, lao động tự do làm nhiều hơn hai giờ so với lao động làm công ăn lương chính thức, cao hơn số giờ làm việc theo quy định (49,2 giờ/47,2 giờ). Hầu hết lao động tự do đều thuộc diện dễ bị tổn thương. Thu nhập bình quân hằng tháng của nhóm này đạt khoảng 4,4 triệu đồng/tháng, thấp hơn khu vực chính thức.

Thực tế, những năm gần đây, các ban ngành chức năng đã thực hiện không ít chính sách hướng về nhóm lao động này. Chẳng hạn, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế toàn dân đã tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già… hay thiết thực hơn là Luật An toàn vệ sinh lao động cũng quy định rõ người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền như: Được pháp luật bảo vệ quyền được làm việc trong điều kiện an toàn; được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Ngoài ra, lao động tự do được tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện và sẽ được hỗ trợ về mức đóng do Chính phủ quy định…

Nhiều chính sách hướng đến song có một thực tế là số lao động tự do tham gia rất ít. Phần lớn do trình độ, nhận thức của họ còn nhiều hạn chế nên chưa thấy hết được lợi ích, mặt khác, do điều kiện về kinh tế, vật chất của lao động tự do còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, công việc không ổn định nên phần lớn họ đều tỏ ra không mặn mà.

Rõ ràng, để lao động tự do được bảo vệ và hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội hiện có, rất cần các cơ quan chức năng có liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sử dụng lao động tự do nhằm phát hiện các sai phạm và xử lý kịp thời. Lao động tự do cũng cần tự bảo vệ mình bằng nhiều hình thức, trong đó đặc biệt quan trọng vẫn là hiểu biết về các chính sách, chế độ an sinh xã hội dành cho mình./.

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tự do được hưởng những lợi ích thiết thực như: Được chi trả lương hàng tháng như cán bộ công nhân viên chức; được hưởng lương hưu ngay khi nộp đủ số tháng theo thời gian quy định... Bên cạnh đó, người lao động tự do còn có cơ hội tiếp cận với các chính sách khác như bảo hiểm y tế; chăm sóc sức khỏe; vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Hiện nay, rất nhiều ngân hàng có chính sách cho vay vốn với cơ chế thoáng, chỉ cần người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội là được vay, thuận lợi hơn nhiều so với việc thế chấp sổ đỏ hoặc tài sản khác. Lợi ích nhiều, nhu cầu của người dân về bảo hiểm xã hội tự nguyện rõ ràng là rất lớn nhưng trên thực tế việc thu hút được người lao động tự do tham gia vào loại hình bảo hiểm xã hội này lại chưa đạt hiệu quả.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lao-dong-tu-do-vong-luan-quan-cua-rui-ro-va-thiet-thoi-116430.html