Lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc không phải đóng bảo hiểm 2 lần

Người lao động Việt Nam khi đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ được tính cộng gộp thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, để làm cơ sở tính hưởng quyền lợi hưu trí...

Lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh minh họa.

Lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ này vừa tổ chức các hội nghị triển khai, hướng dẫn thực hiện Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội cho các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Thông tin về một số nội dung cơ bản của Hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội, và các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 về đàm phán, ký kết các Hiệp định, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam, khẳng định việc ký kết Hiệp định là cần thiết để khắc phục vấn đề đóng song trùng.

Đồng thời, hướng tới ghi nhận, tính cộng gộp thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ở cả Việt Nam và Hàn Quốc.

Ông Nam cho biết Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người lao động là công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, và công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động (hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề) đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trong khi đó, Luật Hưu trí quốc gia Hàn Quốc cũng quy định, người nước ngoài từ 18-60 tuổi sinh sống và làm việc trong doanh nghiệp tại Hàn Quốc có thể tham gia vào Chương trình hưu trí quốc gia giống như người Hàn Quốc bản xứ.

Như vậy, với các quy định nêu trên thì người lao động Việt Nam và Hàn Quốc sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội ở cả Việt Nam và Hàn Quốc. Do đó, việc ký kết Hiệp định về bảo hiểm xã hội là cần thiết để khắc phục vấn đề đóng song trùng, tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động hai nước.

Phạm vi áp dụng đối với Việt Nam là Luật Bảo hiểm xã hội (chỉ áp dụng với hai chế độ hưu trí và tử tuất). Đối với Hàn Quốc là Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc.

Đối tượng áp dụng là người lao động là công dân Việt Nam, người lao động là công dân Hàn Quốc và thân nhân hoặc người thừa kế của những người này theo quy định của pháp luật mỗi nước.

Về quy định tránh đóng bảo hiểm xã hội hai lần, đối với lao động phái cử, người lao động của một Bên ký kết được cử đi làm việc ở Bên ký kết còn lại, thì chỉ áp dụng pháp luật của Bên ký kết đầu tiên trong thời gian 60 tháng đầu, và có thể kéo dài thêm không quá 36 tháng. Hết thời gian trên, sẽ chỉ áp dụng pháp luật của nước người lao động đến làm việc.

Đối với lao động tuyển dụng tại chỗ, người lao động của một Bên ký kết đang tạm sinh sống và được tuyển dụng bởi người sử dụng lao động ở Bên ký kết còn lại, thì chỉ áp dụng pháp luật của Bên ký kết còn lại.

Riêng đối với người lao động là công dân Hàn Quốc được người sử dụng lao động tại Việt Nam tuyển dụng làm việc tại Việt Nam, thì chỉ áp dụng pháp luật của Hàn Quốc trong thời gian không quá 60 tháng.

Về cộng gộp thời gian tham gia và tính hưởng bảo hiểm xã hội, Hiệp định quy định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để tính hưởng quyền lợi hưu trí là tổng các khoảng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, đã được ghi nhận theo pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc, không bao gồm thời gian trùng nếu có.

Việc tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định pháp luật của mỗi Bên ký kết.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, thông tin về một số nội dung cơ bản của Hiệp định. Ảnh: MOLISA.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, thông tin về một số nội dung cơ bản của Hiệp định. Ảnh: MOLISA.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến nay, số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên 650.000 người, và hơn 150.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Do đó, ngoài Hàn Quốc, định hướng của Chính phủ là đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội với các quốc gia khác. Trước hết là với các nước tiếp nhận nhiều người lao động Việt Nam, và các nước có nhiều người lao động đến Việt Nam làm việc.

Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đàm phán chính thức Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản. Dự kiến hai bên có thể tiến hành đàm phán vòng 1 trong quý 1/2025.

Đại diện Vụ Bảo hiểm Xã hội nhấn mạnh Chính phủ rất quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, không chỉ về tiền lương mà còn là quyền lợi hưu trí của họ, không chỉ thời gian làm việc ở trong nước mà cả thời gian làm việc ở nước ngoài.

Việc hợp tác song phương về bảo hiểm xã hội như hiệp định này không chỉ mang lại quyền lợi cho người lao động, mà doanh nghiệp và cả quốc gia đều hưởng lợi.

Trước đó, Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã được ký kết ngày 14/12/2021, tại Seoul (Hàn Quốc).

Ngày 8/12/2023, cũng tại Seoul (Hàn Quốc), hai nước đã ký thỏa thuận hành chính về việc triển khai Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ hai nước, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lao-dong-viet-nam-sang-han-quoc-lam-viec-khong-phai-dong-bao-hiem-2-lan.htm