Lão ngư sản xuất giỏi
Chăm chỉ, sáng tạo trong lao động, có tấm lòng sẻ chia và nhiệt tình với các phong trào của hội. Đó là chân dung ông Nguyễn Hữu Thanh (khu phố 5, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết), một trong 63 gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương năm 2021.
Lão ngư sản xuất giỏi
Trở về sau lễ tuyên dương vài ngày, ông Nguyễn Hữu Thanh rất xúc động khi đây là lần thứ 2 được nhận bằng khen từ Trung ương Hội. Ra khơi từ khi còn là một cậu thiếu niên, đến nay đã ngót nghét 45 năm gắn bó với biển. Bởi thế, với ông biển vô cùng thiêng liêng, gần gũi.
Ông Thanh chia sẻ: Nhà nghèo nên cả 4 anh em theo cha ra biển từ nhỏ, nhưng do thiếu vốn nên có nhiều cố gắng trong lao động thì đời sống kinh tế không cải thiện được bao nhiêu. Bước ngoặt thật sự là vào năm 1995, được sự động viên, khuyến khích và giúp đỡ của Hội Nông dân phường Đức Thắng hướng dẫn thủ tục thế chấp vay vốn làm dự án đóng tàu đánh bắt xa bờ. Dù bước đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng con tàu cũng được hoàn thành và ra khơi, từ đó cuộc đời tôi chuyển sang một hướng đi mới. Có tàu công suất lớn vươn ra khơi xa với ngư trường bao la, nguồn cá phong phú, cùng các loại hải sản có giá trị kinh tế cao nên mức thu nhập tăng lên đáng kể. Năm 2012, tôi đầu tư, chuyển đổi sang 2 chiếc tàu công suất lớn hơn (380 CV/tàu), với 12 lao động thường xuyên, bám biển dài ngày đã tận dụng hết năng suất tàu thuyền.
Nhờ tiếp thu khoa học công nghệ trong khai thác, đánh bắt hải sản và tích lũy mua sắm các thiết bị cần thiết cho thuyền như máy tầm ngư, máy định vị, bộ đàm tầm ngắn, tầm xa, thiết bị giám sát hành trình… nên nhiều năm liên tiếp tổng doanh thu đều tăng. Cũng nhờ biển cả mà con cái của ông đều được ăn học thành tài, đời sống kinh tế khấm khá, với mức thu nhập hàng năm khoảng 203 triệu đồng/người. Cuộc sống của các bạn thuyền dù chưa cao nhưng cũng no đủ, ổn định, trung bình 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Trong giọng kể chắc nịch của lão ngư ấy không chỉ là sự tự hào, hàm ơn dành cho biển cả mà còn là sự quyết tâm vươn khơi để bảo vệ chủ quyền, để phản đối trước những hành động phi lý, sai trái khi Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ông Thanh cũng là tổ trưởng tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, tập hợp 10 thành viên. Dựa trên sự gắn kết trong sinh hoạt hàng ngày, họ càng trở nên thân thiết và đoàn kết hơn trong những chuyến ra khơi. Khi tìm được ngư trường đánh bắt dồi dào, các tàu đều chia sẻ thông tin để các tàu bạn cùng đến khai thác, hay giúp đỡ nhau khi có sự cố giữa trùng khơi. Chấp hành nghiêm quy định, không vi phạm đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia khác. “Trong mỗi chuyến ra khơi, chúng tôi đều hiểu rằng, nghề đi biển không chỉ là sinh kế nuôi sống gia đình, mà còn có ý nghĩa chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chính vì vậy, ngoài chuẩn bị lương thực, ngư cụ đánh bắt, mỗi ngư dân còn “trang bị” cho mình cả sự dũng cảm, gan lì để ứng phó với những tình huống nguy hiểm, đe dọa từ tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam”, ông Thanh nói.
Theo ông Lê Phan Quang Vũ – Chủ tịch Hội Nông dân phường Đức Thắng: Toàn phường Đức Thắng hiện có 65 thuyền công suất lớn vươn khơi xa, với 468 lao động. Họ đều là những ngư dân chịu thương, chịu khó, chấp hành quy định của pháp luật khi khai thác, đánh bắt trên biển. Riêng ông Nguyễn Hữu Thanh là lão ngư kỳ cựu, sẵn sàng tham gia huấn luyện, diễn tập để bảo vệ ngư trường truyền thống, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông cũng là hội viên tích cực với các phong trào của hội và phong trào do địa phương phát động.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/lao-ngu-san-xuat-gioi-143938.html