Lão nông Hà Tĩnh 'mê' ruộng, thu hoạch 45 tấn lúa/vụ
Hơn 4 năm cần mẫn, kiên trì đi đến từng hộ dân để thuê ruộng, ông Nguyễn Đức Tuấn (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã có trong tay gần 9 ha đất, tạo thành vùng sản xuất quy mô lớn.
Vợ chồng ông Tuấn tham gia sản xuất trên cánh đồng rộng gần 5 ha ở vùng Bại Meo của xã Ích Hậu.
Để nhanh chóng hoàn thành việc làm đất, gieo mạ cho gần 9 ha lúa, những ngày qua, vợ chồng ông Tuấn gần như phải “khiêng” cả nhà ra đồng, từ chõng, lều, nước, dây điện đến máy bơm, máy cày…
Vừa nhanh tay lên luống đất, ông Tuấn vừa tâm sự: “Đêm tôi ngủ lại tại bờ ruộng luôn để canh nước và máy móc, sáng sớm còn kịp làm nhằm tránh nắng, một tay mình không thể làm xuể nên phải thuê thêm người làm với công từ 250 - 300 nghìn đồng/ngày. Mới đây, nước về tràn đồng, sợ không kịp làm đất, tôi gom góp tiền mua thêm 1 cái máy cày nữa để xoay xở cho tiện”.
Máy làm đất của gia đình hoạt động hết công suất để “chạy đuổi” thời vụ hè thu.
Bà Nguyễn Thị Xoan (vợ ông Tuấn) chia sẻ: “Nghề trồng lúa trăm ngàn nỗi lo, ngay cả khi cầm “hạt vàng” trên tay vẫn chưa ăn chắc. Thế nên, khi chồng bày tỏ quyết tâm thuê đất sản xuất lớn, tôi mừng ít mà sợ thì nhiều. Nhưng, nghe ông thuyết phục, chỉ ra cơ hội, tôi ủng hộ và đồng hành”.
Để có được cánh đồng “thẳng cánh cò bay”, từ năm 2016, ông Tuấn đã phải tất tả đi tìm hiểu, cần mẫn đến từng gia đình để xin được thuê đất sản xuất lúa. Sau đó, ông từng bước thuyết phục và cùng với thôn trưởng, cán bộ cấp xã đến ký hợp đồng thuê đất với giá 800 nghìn đồng/sào/năm.
Để kịp sản xuất gần 9 ha lúa, ông Tuấn đem đầy đủ “đồ nghề” ra đồng.
Cùng với 0,75 ha ruộng ban đầu của gia đình, đến nay, ông đã thuê thêm được 3 ha đất vùng Đò Lửa và 5 ha đất vùng Bại Meo của xã để sản xuất tập trung.
Ông đã đầu tư hơn 250 triệu đồng để mua sắm máy móc, rút ngắn thời gian sản xuất như máy cày, máy bơm, máy cấy lúa, máy phun hạt đa năng (máy giúp gieo hạt giống, phun bón phân – PV).
Máy phun hạt đa năng giúp người nông dân như ông Tuấn tiết kiệm được thời gian sản xuất.
Mê cái người ta chán nên vùng này, bà con ai cũng nói ông dại vì cái công, cái của bỏ ra lớn. Nhưng sau nhiều năm làm lụng, ông thấy, nếu canh tác trên quy mô lớn thì làm lúa vẫn có thể “sống khỏe” được, cho hiệu quả cao hơn.
"Vụ xuân 2020, tôi chỉ sản xuất 2 giống nếp 98 và Xuân Mai thu về gần 45 tấn thóc, thương lái thu mua ngay tại chân ruộng, trừ mọi chi phí lãi từ 120 - 130 triệu đồng. Giờ có máy móc hỗ trợ nên tôi đã thuê thêm và sản xuất hết được gần 9 ha đất này” - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn chia sẻ về quá trình sản xuất và hiệu quả của việc xóa bờ thửa, tạo cánh đồng lớn với cán bộ nông nghiệp của xã Ích Hậu.
Chỉ vào mảnh ruộng gần 7 sào trước mắt, ông Tuấn cho biết: “Lúc đầu, từng này ruộng thôi mà có đến 5 - 6 hộ sản xuất, manh mún, nhỏ lẻ, không hiệu quả nên bà con ngại làm và bỏ hoang dần”.
Ông thuê được của họ nhưng cũng phải bàn mãi, tới nhà năm lần bảy lượt họ mới đồng ý cho phá bờ vùng, bờ thửa tạo thành thửa lớn, thuê máy xúc san gạt tạo mặt bằng cho cánh đồng, cải tạo chất đất trong hơn 1 năm. Nhờ vậy, xóa được tình trạng ruộng xấu, cốt đất không đều trước kia, giúp quá trình sản xuất được thuận lợi, tạo thành cánh đồng rộng lớn.
Vùng đất sản xuất lúa ở Bại Meo rộng lớn được ông cải tạo hơn 1 năm mới có thể bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2019.
Đồng hành cùng ông Tuấn, xã Ích Hậu đã giao cho cán bộ chuyên môn đứng ra tập hợp, xác nhận từ các hộ có đất nhưng không sản xuất để cho ông thuê thêm. Đến nay, gần 50 hộ đã cho ông thuê, mượn ruộng từ 6 - 7 năm.
Xã cũng tìm hiểu, hướng dẫn hồ sơ để ông được hưởng thêm hỗ trợ từ Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn.
“Thời gian tới, xã tiếp tục có định hướng đưa vào thử nghiệm các giống lúa năng suất cao và liên kết với doanh nghiệp để tạo thành vùng sản xuất lúa tập trung” - Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Quang Bắc cho biết thêm.
Bà con nông dân được ông Tuấn thuê về với tiền công từ 250 - 300 nghìn đồng/người để hỗ trợ làm đất cho kịp thời vụ.
Chia tay ông Tuấn, nhìn cánh đồng lúa rộng lớn, máy cày chạy băng băng, chúng tôi thầm cảm phục người nông dân chân lấm tay bùn, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thuê, mượn lại đất sản xuất như ông, tạo nên giá trị mới trong sản xuất nông nghiệp.
Để nhiều người dân như ông Tuấn có thể tích tụ được ruộng đất, cải tạo và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, rất cần có thêm sự hỗ trợ, đồng hành hơn nữa từ các cấp, ngành...