Lão nông hồi sinh hai công trình nước sạch tiền tỷ 'chết yểu' ở Quảng Ngãi

Nhìn hai công trình nước sạch được đầu tư tiền tỷ nhưng không có nước trong khi người dân đang 'khát', một lão nông ở Quảng Ngãi đã bỏ tiền túi ra 'hồi sinh' cả hai công trình nước sạch tưởng chừng 'chết yểu'.

Hơn hai năm qua, ông Trần Văn Bảnh, 62 tuổi, trú thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi) trở thành "người hùng" trong mắt 350 hộ dân trên địa bàn khi ông đã giúp cả nghìn người dân nơi đây thoát cảnh khát nước…

Lão nông "bắt bệnh" hai công trình nước sạch… khô nước

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Đông Hòa được đưa vào sử dụng năm 2004 và công trình thôn Vĩnh Sơn - Đông Thuận được địa phương đầu tư chính thức đi vào vận hành năm 2012, với tổng công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.600 hộ, đã giải bài toán cấp nước.

Dòng nước sạch mát lạnh từ sự tận tâm của ông Trần Văn Bảnh đã giúp hơn 350 hộ dân xã Tịnh Hòa không còn quay quắt trong cơn khát nước như trước đây.

Dòng nước sạch mát lạnh từ sự tận tâm của ông Trần Văn Bảnh đã giúp hơn 350 hộ dân xã Tịnh Hòa không còn quay quắt trong cơn khát nước như trước đây.

Thế nhưng, chỉ vài năm sau, cả hai công trình được đầu tư với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng cứ dần hết nước và rồi "đắp chiếu" dù địa phương đã sửa chữa.

Trong một lần đi xin nước về dùng, khi đi ngang qua đường nhìn thấy đoạn ống nước, ông Trần Văn Bảnh sực nhớ đến hai công trình nước sạch đã từng cấp dòng nước mát lạnh cho bà con.

Như một cơ duyên, ông Bảnh mày mò tìm hiểu sự tình hai công trình cấp nước và "bắt bệnh". "Nhưng thực sự lúc tìm đến chân bể nước chính mới thấy xót khi mốc bám dày, cây cỏ dại mọc um tùm và đường ống dẫn thì hư hỏng. Các van khóa và mở nước cũng "đứng hình" vì thời gian dài không sử dụng, bảo dưỡng.

Hay tin ông Bảnh đang "nghiên cứu" lại công trình nước sạch, chính quyền xã Tịnh Hòa đã đến gặp gỡ và đặt vấn đề mong ông Bảnh tiếp nhận, quản lý 2 công trình. Đề xuất của địa phương khiến lão nông ngớ người vì "từ chối thì không đành, mà nhận thì biết tìm đâu ra nguồn nước?".

Nhưng rồi, nghĩ đến những cơn khát quay quắt, ông Bảnh nhận lời tiếp quản hai "cục nợ". Ngoài chuyện khắc phục lại bể chứa nước, việc tìm nguồn cấp nước khiến ông Bảnh đau đầu.

Để có dòng nước mát lành phục vụ 350 hộ dân địa phương, ông Bảnh đã bỏ tiền túi ra số tiền 250 triệu đồng để hồi sinh hai công trình nước sạch.

Để có dòng nước mát lành phục vụ 350 hộ dân địa phương, ông Bảnh đã bỏ tiền túi ra số tiền 250 triệu đồng để hồi sinh hai công trình nước sạch.

"Nhưng không khoan giếng thì lấy nước ở đâu", nghĩ vậy, ông Bảnh bỏ tiền túi ra thuê các đội thợ khoan giếng tìm mạch nước ngầm. Song, vì khu vực này đồi núi trọc và gần biển nên có giếng không có nước, có giếng tìm thấy nước thì bị nhiễm mặn.

Những thất bại nối tiếp nhau như muốn thử lòng kiên nhẫn của lão nông tuổi lục tuần. Không bỏ cuộc, ông Bảnh tiếp tục thuê đội thợ khác tìm vận may. Và rồi, vào một ngày đầu năm 2021, một mũi khoan tiến đến độ sâu 67m thì bất ngờ dòng nước mát lạnh phun trào lên trong niềm vui sướng đến tột cùng của người đàn ông nơi quê nghèo.

"Nhờ sự đầu tư và tận tâm của ông Bảnh mà 2 công trình phát huy hiệu quả, mang lại niềm vui cho 350 hộ dân từ đầu năm 2021 đến nay. Điều chúng tôi băn khoăn là vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng quản lý và vận hành 2 công trình này. Vậy nên, rất mong cấp thẩm quyền tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc để ông Bảnh kinh doanh nước đúng pháp luật và… có lãi", Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa Nguyễn Khoa Lai

Tiếp tục tìm vận may, ông Bảnh chi ra số tiền gần 100 triệu đồng để thuê thợ khoan thêm bốn giếng khác để đảm bảo đủ nguồn nước cấp cho hàng trăm hộ dân.

Không phụ tấm lòng của lão nông sống vì mọi người, những giếng khoan sau đó lần lượt có nước và đều đảm bảo chất lượng.

Vừa vui mừng vì tìm thấy nước sạch, ông Bảnh lại đối mặt với chuyện đường ống, hố ga, đồng hồ nước… hư hỏng. Nước được bơm lên bể nhưng không về được tận nhà dân nên một lần nữa ông Bảnh lại mày mò đi "bắt mạch" từng đoạn ống, hố ga, sửa từng cái đồng hồ. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm mét đường ống nước, đồng hồ hư hỏng được đấu nối, sửa lại hoạt động trơn tru.

"Để có nước đến từng hộ dân tôi phải móc tiền túi ra 'tạm ứng' 250 triệu đồng. Nói thiệt số tiền đó to lắm, nhưng mình nhận nhiệm vụ rồi thì phải làm, chỉ là giúp người dân có nước sinh hoạt chứ mấy năm rồi "khát', khổ sở lắm", ông Bảnh tâm sự.

Kinh doanh lỗ… mà vui

Hơn hai năm qua những đường ống dẫn dòng nước mát lành từ bể chứa về đến tận ngõ hơn 350 hộ dân nơi đây đã giải đi cơn khát cùng cực và cũng từ đó đến nay chẳng biết vì cách sử dụng nước hiệu quả, hay bởi ông Bảnh "mát tay" trong quản lý mà cả hai công trình nước sạch vẫn hoạt động hiệu quả, đảm bảo cấp nước ổn định cho người dân.

Sau khi nước sạch về đến tận nhà, nhưng chuyện xây dựng nguồn thu cho ông Bảnh sao cho hiệu quả lại là câu chuyện lớn cần tính toán để tránh bị "vướng" các quy định. Thế nên, UBND xã Tịnh Hòa ký hợp đồng với ông Trần Văn Bảnh giao việc quản lý và vận hành hai công trình nước sạch, ban hành giá thu phí là 8.000 đồng/m3.

Ông Bảnh kiểm tra hệ thống nước tại bể chứa.

Ông Bảnh kiểm tra hệ thống nước tại bể chứa.

Sau khi đọc bản hợp đồng, ông Bảnh tỏ vẻ ái ngại, bởi lẽ với giá tiền đó thì chắc chắn lỗ vì chi phí vận hành cao, lượng nước thất thoát lớn.

"Do công trình cũ không xây tháp, mà nước được bơm ngược lên bể xử lý trên Rẫy Động qua đường ống dẫn dài gần 1.000m, cao 34m, sau đó chảy qua đường ống chính gần 3.500m trước khi tẻ qua đường ống nhánh về nhà dân. Trong khi hệ thống đường ống chính được đầu tư gần 20 năm trước, lại đặt ngầm dưới đường bê tông, nên không thể sửa chữa hay khắc phục những hư hỏng dẫn đến lượng nước thất thoát lớn", ông Bảnh giải thích.

Ông Bảnh nhẩm tính, tổng công suất từ 5 máy bơm nước ông tự đầu tư và hai máy do Tổ chức Madison Quakers Inc tài trợ sẽ có công suất 7.500m3/ngày đêm, trong khi lượng nước sử dụng thực tế qua đồng hồ chỉ đạt từ 3.500-4.000m3/ngày đêm.

"Biết chắc chắn là lỗ, nhưng nếu mình "buông" thì ai đứng ra vận hành, khi đó người dân lấy nước đâu để sử dụng. Đi buôn mà chấp nhận lỗ như tôi thì hiếm lắm. Nhưng vì người dân, vì cuộc sống chung tôi nhận làm chứ biết sao được", ông Bảnh chia sẻ.

Cứ thế, biết là làm công cốc, song lão nông Trần Văn Bảnh vẫn miệt mài "ôm cục nợ" để người dân có nước sử dụng.

Dù kinh doanh lỗ nhưng ông Bảnh cười khà vì đã hồi sinh hai công trình nước sạch làm điều có ích cho bà con lối xóm.

Dù kinh doanh lỗ nhưng ông Bảnh cười khà vì đã hồi sinh hai công trình nước sạch làm điều có ích cho bà con lối xóm.

Bà Nguyễn Thị Rí, khu dân cư Làng Cá tâm sự: Chẳng ai như ông Bảnh, đã tự bỏ tiền túi khoan giếng khôi phục công trình, tìm nguồn nước giúp dân. Khi hay tin đường ống hay đồng hồ nhà ai trục trặc thì bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, ông ấy cũng cất công đến xem và sửa chữa. Nếu không có ông Bảnh, người dân chúng tôi sẽ rất chật vật, khổ sở với chuyện thiếu nước. Chúng tôi rất cảm động trước nghĩa cử và việc làm cao đẹp của ông ấy.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa Nguyễn Khoa Lai cho biết, chính quyền địa phương và người dân rất cảm kích và trân quý tấm lòng, việc làm của ông Trần Văn Bảnh. Trong lúc công trình hư hỏng, ngân sách xã eo hẹp, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh từ chối, ông Bảnh lại tiếp nhận và hồi sinh hai công trình này.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lao-nong-hoi-sinh-hai-cong-trinh-nuoc-sach-tien-ty-chet-yeu-o-quang-ngai-192230831152452467.htm