Lão nông miền Tây vận động xây hơn 260 cây cầu
Hơn 20 năm nay, ông Hai (67 tuổi, ngụ tại xã Tân Bình, Châu Thành, Đồng Tháp) đã vận động các mạnh thường quân xây dựng hơn 260 cây cầu với tổng chi phí 30 tỷ đồng.
"Hai Lúa” là cái tên thân thương mà người dân quanh vùng thường gọi ông Nguyễn Văn Bé Hai. Ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn có tấm lòng thiện nguyện, nhiệt tình góp công, góp của, vận động hàng chục tỷ đồng xây dựng hơn 260 cây cầu giao thông nông thôn ở khắp các tỉnh.
Nông dân sản xuất giỏi
Ông Hai sinh ra trong gia đình có 9 anh em và sống bằng nghề làm ruộng khi còn rất nhỏ. Cũng từ đây, tình yêu với cây lúa của ông cứ lớn dần theo năm tháng.
“Hồi đó, tôi khao khát sẽ tạo ra một cánh đồng mà mọi người đồng loạt sạ cùng một giống lúa để ít sâu bệnh, thu hoạch cùng lúc, bán được giá. Tôi trình bày ý tưởng làm lúa giống với ngành nông nghiệp tỉnh và bất ngờ là họ đồng ý giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật." - ông Hai chia sẻ.
Khát khao làm giàu trên mảnh ruộng của mình, ông Bé Hai sang tận Viện Lúa ĐBSCL học hỏi thêm về kỹ thuật làm lúa giống. Tại đây, ông được các thầy cô, kỹ sư trong viện hướng dẫn, chia sẻ những kiến thức quý báu áp dụng vào thực tế. Với những kiến thức tiếp thu được, những năm 2000, ông bắt đầu mày mò làm lúa giống.
Từ mày mò làm giống IR50404, ông dần chuyển sang làm các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao. Nông dân quanh vùng đi ngang ruộng lúa giống của ông tấm tắc khen vì cây lúa cứng cáp, phẩm chất lúa vượt trội. “Hữu xạ tự nhiên hương”, dân quanh vùng cứ đến vụ sản xuất là tìm đến ông để mua giống.
“Giống lúa IR 50404 làm trúng lắm, nhưng bán thì giá thấp. Nên sau đó tôi chuyển sang sản xuất giống IR 64 – lúa này trồng trúng, giá cao, nhưng là giống lúa dài ngày (100 ngày)" - ông Hai nói.
Hiện nay, với 9 ha đất ông dành 6 ha để trồng lúa, phần còn lại để trồng mít. Mỗi năm trừ hết chi phí thu về khoảng 600 triệu đồng.
Nặng nợ với những nhịp cầu
Sau nhiều năm gắn bó với cây lúa và cũng nhờ cây lúa giúp kinh tế gia đình khấm khá nên ông Bé quyết tâm làm chút gì đó để giúp ích cho xã hội. Nghĩ là làm, ông Hai đã bén duyên và gắn bó với công tác từ thiện xã hội từ những năm 2000 cho đến nay.
Ông Hai nhớ lại, ông bắt đầu đi sửa cầu cho dân làng kể từ sau trận lũ lớn năm 2000. Thời đó giao thông trong vùng còn nhiều cầu ván, nước dâng nên cầu nổi rồi trôi hết. Để đi bắc lại cầu, ông Hai tập trung thêm 4 người cùng ấp. Cả nhóm đi xin ván về dự trữ, rồi ở đâu có người báo cầu hỏng thì đội lại đưa đồ đến sửa.
Sau thời gian, ông Hai quyết định phải làm cầu bê tông kiên cố. Ông bắt đầu tính toán kinh phí xây cầu, rồi đi vận động mọi người đóng góp. Có kinh phí ông tập hợp mọi người xung quanh lại xây cầu.
"Mỗi cây cầu có giá trị vài trăm triệu đồng đến hơn một tỷ đồng. Trung bình chính quyền hỗ trợ 1/3 chi phí, gia đình họ hàng tôi chi trả 1/3, còn lại tôi kêu gọi cộng đồng đóng góp. Chi phí nhân công không tốn nhiều vì đội của tôi làm miễn phí, bà con nhân dân cũng tham gia xây dựng", ông Hai cho biết.
Đến nay, đội thi công cầu của ông Hai có 15 thành viên. Cơ quan chức năng địa phương cũng hỗ trợ cho đội bản vẽ thiết kế và 4 kỹ sư phụ trách kỹ thuật trong quá trình xây dựng. Ông Hai tính nhẩm, suốt bao nhiêu năm đội của ông đã bắc được gần 270 cây cầu ở khắp các tỉnh miền Tây.
Ông Hai hiện là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Châu Thành nhiệm kỳ 2019-2024. Ông Nguyễn Văn Bé Hai từng vinh dự được Thủ tướng tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Bộ GTVT trao tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng và phát triển giao thông vận tải tại địa phương; tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải Việt Nam.
Ông Hai cũng nhiều lần được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong đóng góp xây dựng cầu đường giao thông nông thôn, nhà tình thương trên địa bàn tỉnh.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lao-nong-mien-tay-van-dong-xay-hon-260-cay-cau.html