Lão nông Trịnh Viết Chiến và những bứt phá từ đồng ruộng

Vẫn là những mảnh ruộng bao đời gắn bó với người nông dân, nhưng nhờ đổi mới tư duy, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cánh đồng mẫu lớn, gắn với nhu cầu của thị trường, ông Trịnh Viết Chiến, thôn Kim Phú, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư đã làm chủ trong sản xuất, trở thành tỷ phú trên đồng đất quê hương.

Ông Trịnh Viết Chiến (mặc áo đen) cùng cán bộ Hội Nông dân xã và bà con nông dân thăm cánh đồng mẫu lớn tại xã Ninh Khang (Hoa Lư).

Ông Trịnh Viết Chiến (mặc áo đen) cùng cán bộ Hội Nông dân xã và bà con nông dân thăm cánh đồng mẫu lớn tại xã Ninh Khang (Hoa Lư).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, hơn ai hết ông Chiến thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nông dân và giá trị thực sự từ đồng ruộng. Thế nhưng ngày càng có nhiều lao động trẻ tìm hướng "ly nông" làm ở các công ty, nhà máy, ở quê chỉ còn người già, trẻ em, việc đồng áng không còn được nhiều người chọn làm sinh kế. Ông mạnh dạn ngỏ ý thuê, mượn lại những mảnh ruộng mà người chủ không có nhu cầu trồng cấy, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và HTX nông nghiệp, bà con nông dân đều nhất trí.

Mặc dù đã có kinh nghiệm làm nông nghiệp nhưng đối với ông Chiến việc sở hữu hàng chục mẫu ruộng trong tay lại là chuyện lớn. Làm thế nào để canh tác hiệu quả những cánh đồng rộng lớn mênh mông khi sức người có hạn và thời gian gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa yêu cầu phải đúng thời điểm. Vậy là ông Chiến bắt đầu đi tham quan học hỏi ở các nơi, đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm máy móc thiết bị như: máy làm đất, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt… Hiện, ông đang sở hữu 2 máy làm đất công suất lớn, 2 máy cấy, 2 máy gặt, 2 máy bay không người lái, 1 hệ thống sấy lúa, đảm bảo phục vụ tất cả các quy trình canh tác. Số tiền mua máy đều do gia đình tự lực từ tiền lãi các vụ lúa trước và một phần hỗ trợ từ các chính sách về phát triển nông nghiệp của tỉnh.

"Tôi đang đặt mua thêm 1 máy cày đa năng với giá 400 triệu đồng và sẽ đưa vào vận hành trong vụ Mùa tới đây. Khi đưa vào sử dụng chắc chắn hiệu quả sản xuất sẽ tăng, gia đình tôi cũng phục vụ tốt hơn các dịch vụ nông nghiệp cho bà con nông dân", ông Chiến cho biết.

Nhờ cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, gia đình ông Chiến đã giảm được rất nhiều chi phí đầu vào trong thời điểm khan hiếm nhân công, giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao. "Nông dân làm ruộng nhỏ lẻ chi phí cho mỗi sào lúa lên đến 1,2 triệu đồng, nhưng tôi đưa máy móc vào các khâu sản xuất chỉ bỏ ra 7-8 trăm nghìn đồng. Áp dụng máy móc vào tất cả các khâu sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn sẽ rút ngắn thời gian, đảm bảo khung thời vụ, tạo sự đồng đều trong quá trình chăm sóc nên lúa sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, hạn chế rủi ro do thời tiết, dịch bệnh, giảm thất thoát sau thu hoạch và nâng cao hiệu quả sản xuất.", ông Chiến chia sẻ.

Mỗi năm gia đình ông Chiến sản xuất 2 vụ lúa, ước vụ Đông xuân thu hoạch trên 250 tấn lúa, vụ mùa trên 200 tấn, toàn bộ lúa được xuất bán cho doanh nghiệp. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông "bỏ túi" khoảng 1 tỷ đồng. Sau mỗi vụ lúa, ông Chiến thường nuôi vịt thả đồng từ 5.000- 6.000 con, vừa tận dụng nguồn phụ phẩm sau thu hoạch trên ruộng, vừa tiêu diệt ốc bươu vàng, sâu... Với 2 lứa vịt thả đồng được xuất bán, gia đình ông có thêm 200-300 triệu đồng.

Làm ăn có lãi, có vốn tích lũy, nên cứ nghe chỗ nào bỏ ruộng là ông Chiến lại tìm cách thuê lại. Từ chục mẫu ban đầu, đến nay lão nông sở hữu 150 mẫu ruộng tập trung tại xã Ninh Khang, Ninh Mỹ (Hoa Lư) và xã Khánh An (Yên Khánh), chuyên sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp.

Việc đầu tư máy móc không chỉ phục vụ sản xuất của gia đình, ông Chiến còn làm thêm các dịch vụ nông nghiệp cho bà con nông dân trong và ngoài xã. Bà Lã Thị Luyến, xã Ninh Khang cho biết: Với 30 mẫu ruộng, khi chưa đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gia đình tôi tốn rất nhiều công, chi phí tăng và hiệu quả không cao. Từ khi biết đến dịch vụ máy nông nghiệp của ông Chiến, vấn đề sản xuất lúa trở nên dễ dàng hơn. Đầu vụ tôi thuê làm đất, bón phân, rồi thuê máy phun thuốc trừ sâu bệnh, cuối vụ thuê thu hoạch. Năng suất lúa đạt cao do được chăm sóc đồng đều nhưng tính ra chi phí chỉ bằng một nửa so với trước đây, ước tính gia đình tôi thu lãi khoảng 1,2 triệu đồng/sào.

Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất lúa, ông Chiến cho biết: Để làm lúa có lãi, bên cạnh sự cần cù, chịu khó, người nông dân phải tích tụ ruộng đất với diện tích đủ lớn để sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn; đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nhằm giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất; phải liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định, tránh tình trạng "được mùa mất giá".

Đánh giá về hiệu quả của mô hình sản xuất nông nghiệp của ông Chiến, đồng chí Trần Văn Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Khang cho biết: Ông Chiến là hộ tiên phong tại xã Ninh Khang trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Những mảnh ruộng bỏ hoang trước kia, nhờ có sự cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo của Ông Chiến giờ đã mang lại những mùa vàng trĩu bông. Hiệu quả từ mô hình trồng lúa của ông Chiến đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương nếu biết khai thác tốt tiềm năng đất đai và mạnh dạn áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến, phù hợp.

Bài, ảnh: Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lao-nong-trinh-viet-chien-va-nhung-but-pha-tu-dong-ruong/d2024061908121937.htm