Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore bắt đầu hợp tác năng lượng xuyên biên giới
Singapore bắt đầu nhập khẩu điện từ nguồn năng lượng tái tạo của Lào từ cuối tháng 6, sau khi thỏa thuận mua bán điện đầu tiên kéo dài 2 năm được ký kết giữa công ty Keppel Electric của Singapore với công ty điện lực Nhà nước Electricite du Lào (EDL).
Đây là một phần của Dự án tích hợp điện năng rộng hơn có sự tham gia của 4 nước Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore ( Dự án LTMS-PIP), trong đó các bên sẽ nhập khẩu tới 100 megawatt (MW) từ nguồn thủy điện tái tạo của Lào và sử dụng các kết nối liên thông hiện có. Sự kiện này đánh dấu cuộc giao thương năng lượng xuyên biên giới đa phương đầu tiên của 4 quốc gia ASEAN.
Con số 100 MW tương đương với khoảng 1,5% nhu cầu điện cao điểm của Singapore vào năm 2020, đủ để cung cấp cho khoảng 144.000 căn hộ 4 phòng trong một năm.
Thông cáo chung của Keppel Electric, EDL, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào và Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore (EMA) cho biết, đây cũng là lần đầu tiên Singapore nhập khẩu năng lượng tái tạo. Dự án sẽ mang lại lợi ích cho cả bốn quốc gia liên quan bằng cách tạo điều kiện phát triển thị trường mua bán điện trong khu vực, thúc đẩy đầu tư và tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực và khả năng cạnh tranh về chi phí.
Điều này cũng sẽ đóng góp vào các mục tiêu bền vững của Singapore theo Kế hoạch Xanh 2030 bằng cách khai thác sự phong phú của năng lượng tái tạo từ khu vực. Các mục tiêu năng lượng bền vững của Singapore bao gồm khử carbon trong ngành điện và đa dạng hóa các nguồn cung cấp để tăng cường an ninh năng lượng.
Dự án LTMS-PIP đang đóng vai trò như "người tìm đường" hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn rộng lớn hơn về Lưới điện ASEAN (APG). Một APG sẽ cho phép kinh doanh năng lượng đa phương vượt ra ngoài các quốc gia láng giềng trong khu vực. Đây là "một sáng kiến quan trọng trong khu vực nhằm tăng cường khả năng liên kết, an ninh năng lượng và tính bền vững thông qua các kết nối điện hiện có. Điều này mang lại cơ hội khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và carbon thấp trong khu vực, đồng thời góp phần hướng tới phát triển kinh tế, cải thiện an ninh và ổn định năng lượng", tuyên bố chung cho biết thêm.
LTMS-PIP là một trong những thử nghiệm mà EMA đang thực hiện như một phần trong mục tiêu của Singapore là nhập khẩu tới 4 gigawatt điện carbon thấp vào năm 2035, chiếm khoảng 30% nguồn cung điện trong năm của Singapore. Keppel Electric là đơn vị đầu tiên được EMA cấp giấy phép nhập khẩu điện.
"Việc bắt đầu nhập khẩu điện từ CHDCND Lào đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hợp tác năng lượng khu vực của chúng tôi”, ông Ngiam Shih Chun, Giám đốc điều hành của EMA cho biết. "Các lưới điện liên kết có thể đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung cấp và tăng cường ổn định lưới điện cho toàn khu vực".
Dự án cũng thể hiện tính khả thi của hợp tác năng lượng đa phương, vì các thỏa thuận kỹ thuật, thương mại, luật pháp và quy định đã được hoàn thiện giữa các bên khác nhau, với sự hỗ trợ của chính phủ bốn nước ASEAN, tuyên bố chung cho biết.
Các chuyên gia Singapore dự định nhập khẩu 30% nguồn cung cấp điện từ các nguồn carbon thấp vào năm 2035. Theo đó, Keppel Electric và Điện lực Lào EDL sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Phát điện Thái Lan và Tenaga Nasional Berhad của Malaysia để thực hiện thành công việc cung cấp điện trong dự án chung nói trên.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Daovong Phonekeo cho biết, Lào tự coi mình là nước đóng vai trò cung cấp năng lượng tái tạo trong khu vực. "Chúng tôi liên tục hỗ trợ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Tiểu vùng Mekong mở rộng và việc triển khai Lưới điện ASEAN và dự án này chứng minh rằng chúng tôi đang đi đúng hướng khi thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch bao gồm năng lượng mặt trời và điện gió".
Giám đốc điều hành EDL, ông Chanthaboun Soukaloun, cho biết dự án LTMS-PIP được thành lập vào năm 2014 trong khuôn khổ Theo dõi Năng lượng ASEAN thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Lưới điện ASEAN, hướng tới kết nối khu vực với nhau nhằm đảm bảo an ninh và ổn định năng lượng. Sự kiện Singapore bắt đầu nhập khẩu điện từ nguồn năng lượng tái tạo của Lào từ ngày 23/6 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc quan trọng của dự án này.
"Chúng tôi tin rằng dự án này là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, nơi khoảng cách không còn là trở ngại mà là thách thức có thể đẩy tiềm năng của chúng ta lên một tầm cao mới". Keppel và EDL cũng đang hợp tác thiết lập theo dõi, xác minh và đảm bảo năng lượng tái tạo thông qua Chứng chỉ Năng lượng tái tạo và nguồn cung cấp điện tái tạo dài hạn khác.