'Lão tướng Tuồng' 100 tuổi tha thiết ngóng 'truyền nhân'

Vừa tròn 100 tuổi, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang với hơn 60 công trình nghiên cứu sân khấu được xem như 1 trong 3 ngọn tháp cao vời vợi trong nghệ thuật Tuồng, bên cạnh NSND Nguyễn Nho Túy, Tuồng tác gia xuất sắc Tống Phước Phổ.

Ít ai biết rằng, nhà nghiên cứu sân khấu nổi tiếng Mịch Quang (tên thật là Nguyễn Thế Khoán) lại bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật của mình với dòng tân nhạc và là một giọng ca được hâm mộ ở vùng kháng chiến Bình Định. Nhiều người nghĩ, ông sẽ đi theo con đường ca hát như lẽ tất yếu.

Ở tuổi 100, nhà nghiên cứu Tuồng Mịch Quang vẫn chưa tìm được “truyền nhân”

Ở tuổi 100, nhà nghiên cứu Tuồng Mịch Quang vẫn chưa tìm được “truyền nhân”

Nhà “Đào Tấn học”

Thế nhưng, cơ duyên đã đưa ông đến với Tuồng, đến với những làn điệu thấm đẫm hồn Việt khi chuyển ra Hà Nội làm việc tại Viện Nghiên cứu sân khấu. Được làm việc trong Ban nghiên cứu Tuồng cùng các tên tuổi như: Hồ Lãng, Hoàng Châu Ký, Phạm Phú Tiết… và những nghệ sỹ Tuồng Liên khu 5 “cự phách” như: Nguyễn Lai, Phạm Chương, Ngô Thị Liễu…, ông đã hiểu hơn về Tuồng và yêu bộ môn nghệ thuật này tự lúc nào không hay.

Chính ông là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu và phát huy kho tàng của danh nhân Đào Tấn. Mịch Quang tôn vinh Đào Tấn trên cả hai phương diện chính trị và nghệ thuật, khẳng định Đào Tấn là một “người khổng lồ” trong ngành Tuồng nói riêng và sân khấu nói chung. Sau này, ông tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về Đào Tấn nên được xem là nhà “Đào Tấn học” hàng đầu.

Mịch Quang là người cương trực và có nhân cách làm nghiên cứu. Vì chân lý khoa học, ông không ngại bạn bè, đồng nghiệp cho mình là cực đoan. GS.NSND Trần Bảng đã gọi ông là “Lão tướng Tuồng” cũng bởi, Mịch Quang là người xông pha đi đầu, triệt để chống lại sự tấn công của những xu hướng lai căng làm nghệ thuật truyền thống bị tha hóa, mai một.

Cự tuyệt mọi cải biên, Mịch Quang cố công tìm lại và bảo lưu những gì thuộc về di sản dân tộc như lẽ sống. Ông cho ra đời nhiều công trình quan trọng để tìm về các nét tinh hoa của Tuồng truyền thống như: Đặc trưng nghệ thuật Tuồng, Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc, Khơi nguồn mỹ học dân tộc…

Bền bỉ một ước mơ

Mịch Quang chấp nhận những thiệt thòi về mình để bảo vệ cho quan điểm cá nhân. Từng giữ chức Trưởng đoàn Tuồng Phú Khánh (Khánh Hòa), ông đã xin về hưu trước tuổi để tập trung thời gian làm công tác nghiên cứu. Với đồng lương hưu ít ỏi, Mịch Quang đã tự tin bắt đầu các công trình nghiên cứu lớn nhất của mình. Có người bảo, các công trình liên ngành của ông chưa chắc một viện nghiên cứu của nhà nước với kinh phí hàng chục tỷ đồng có thể làm được.

Kể từ khi về hưu, 40 năm qua là khoảng thời gian quan trọng nhất để Mịch Quang làm nên sự nghiệp sáng tác đồ sộ, được giới nghệ thuật trong và ngoài nước nể trọng, được Đảng và Nhà nước tôn vinh bằng những phần thưởng cao quý. Trong đó, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2016 là phần thưởng cao quý nhất mà ông đã được trao tặng.

Điều đáng nể trọng hơn cả ở nhà nghiên cứu Mịch Quang, là ông đã bước vào con đường nghiên cứu nhờ quá trình tự học. Mịch Quang thành thạo tiếng Pháp, biết nhiều chữ Hán, am hiểu văn thơ cổ điển dân tộc, thơ văn nước ngoài. Ông không chỉ nghiên cứu, mà còn làm thơ, viết truyện, viết Tuồng.

Mịch Quang hiểu biết về triết học, văn hóa học, dân tộc học, lịch sử, văn học, mỹ học, nghệ thuật học, âm nhạc, sân khấu, kiến trúc… Hiểu biết rộng, phông văn hóa lớn đã giúp ông trở thành nhà nghiên cứu uyên thâm và tạo dựng các công trình có giá trị. Trong đó, công trình “Kinh Dịch và nghệ thuật truyền thống” được xem như nổi bật nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của Mịch Quang. Công trình này từng được giảng dạy tại Mỹ, lưu tại thư viện đại học ở Pháp, Mỹ và đưa tên tuổi của Mịch Quang vượt lên các nhà nghiên cứu khác trong giới sân khấu.

Ở tuổi 100, ông vẫn minh mẫn chỉ với một ước mơ bền bỉ: kịch hát dân tộc sẽ được chấn hưng và rạng rỡ trong di sản tâm hồn Việt. Ánh sáng sân khấu luôn cuốn hút những người như ông, dù chọn lại hay có thêm kiếp sau, ông vẫn đi về phía ánh sáng ấy. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng có nỗi buồn vì chưa tìm thấy truyền nhân. Trong tình cảnh Tuồng ít khán giả, ít người trẻ muốn theo nghề, việc tìm được những người dám dấn thân, tận hiến cả đời vì Tuồng đâu dễ gì…

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/lao-tuong-tuong-100-tuoi-tha-thiet-ngong-truyen-nhan/756352.antd