Lắp 25 điểm bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học trong 'Vườn di sản ASEAN' ở Hà Tĩnh
Các máy cảm biến hồng ngoại sẽ tự động ghi lại hình ảnh, phạm vi di chuyển của các loài động vật hoang dã, từ đó giúp Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) xác định rõ hơn về tài nguyên đa dạng sinh học.
Vườn Quốc gia Vũ Quang luôn được đánh giá là điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng, có nhiều đề tài nghiên cứu chất lượng được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín; hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả.
Đối với tính đa dạng sinh học, vườn có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, thỏ vằn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen, gà lôi lam đuôi trắng, rắn lục sừng...
Để bảo tồn, phát huy tính đa dạng sinh học của vườn, từ tháng 11/2022 đến nay, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiến hành lắp đặt 25 điểm bẫy ảnh, mỗi điểm gồm 2 máy cảm biến hồng ngoại. Các điểm bẫy ảnh được lắp đặt dựa trên ô lưới bản đồ toàn bộ lâm phận do đơn vị quản lý, khoảng cách mỗi điểm là 2,5km.
Các máy cảm biến sẽ tự động ghi lại hình ảnh, phạm vi di chuyển của các loài động vật hoang dã, từ đó giúp đơn vị xác định rõ hơn về tài nguyên đa dạng sinh học để có biện pháp quản lý phù hợp; đồng thời, phân tích, xử lý, công bố đa dạng sinh học nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác bảo tồn trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Vườn Quốc gia Vũ Quang, dự kiến đến khoảng tháng 5/2023, đơn vị sẽ hoàn thành lắp đặt 88 điểm bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học.
Những nỗ lực của cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã đã làm phong phú, dày thêm hệ sinh thái động thực vật ở một trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, xứng danh là “Vườn di sản ASEAN”.