Lắp barie có ngăn chiếm dụng vỉa hè?

Vỉa hè nhiều tuyến đường, phố ở Hà Nội được lắp đặt barie ngăn phương tiện xe cơ giới, nhưng có không ít đoạn bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán trái phép…

Có barie nhiều đoạn vỉa hè vẫn bị chiếm dụng

Có mặt trên nhiều tuyến phố quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, PV Báo Giao thông chứng kiến trên một số đoạn vỉa hè được cơ quan chức năng lắp đặt hàng rào barie bằng những cột sắt để ngăn phương tiện xe cơ giới di chuyển lên.

Những cột sắt được dựng trên vỉa hè đường Lê Văn Thiêm nhằm ngăn phương tiện xe cơ giới.

Những cột sắt được dựng trên vỉa hè đường Lê Văn Thiêm nhằm ngăn phương tiện xe cơ giới.

Cụ thể, ở đoạn vỉa hè tòa nhà The Legacy số 10 phố Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội) được thiết lập những cột sắt sơn màu đỏ - trắng nên người đi bộ qua đây không còn phải đi chung với phương tiện xe cơ giới như trước.

Tuy nhiên, một số phương tiện ô tô vẫn đỗ ở phần lề hè nối với dưới lòng đường như chiếc ô tô BKS: 30G - 138.54, 30X - 69.19.

Chị Lý Thu Trang - người dân trên tuyến phố cho hay: "Việc thiết lập các cột sắt ở vỉa hè đã giúp cho người đi bộ trong các khu dân cư ở đây được thuận lợi hơn. Trước đây, giờ cao điểm lòng đường hẹp, nhiều phương tiện xe cơ giới lao lên ầm ầm. Hiện tại chỉ tồn tại một số phương tiện ô tô dừng đỗ lộn xộn, chính quyền cần tăng cường gia quân, xử lý nghiêm".

Tại ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết (đối diện Bến xe Mỹ Đình), được thiết lập barie trên vỉa hè bằng sắt, có độ cao 50 - 100cm, sơn màu vàng hoặc màu trắng, lắp sát mép đường thành từng hàng rào chắn hoặc chôn ngang lối lên ở mỗi đầu vỉa hè, chỉ vừa cho người đi bộ lách qua.

Quan sát của PV, giờ cao điểm, mật độ phương tiện từ phía đường Phạm Hùng dồn tại ngã tư Tôn Thất Thuyết - Nguyễn Hoàng đông nghẹt, song người đi xe máy không thể leo lên vỉa hè để chiếm đường của người đi bộ. Dù vậy, một số lái xe ôm vẫn cố đưa xe lên vỉa hè để chờ đón khách ở đây.

Vỉa hè vẫn bị một số lái xe công nghệ đưa lên trông phản cảm, mất trật tự an toàn giao thông.

Vỉa hè vẫn bị một số lái xe công nghệ đưa lên trông phản cảm, mất trật tự an toàn giao thông.

Tại vị trí hầm đi bộ nút giao Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết, khu vực phía trong rào chắn đang được một số cá nhân chiếm dụng biến thành các quán trà đá vỉa hè.

Đoạn vỉa hè khu vực ga Đại học Quốc gia (tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) được thiết lập barie, nhưng cũng đang là nơi án ngữ của xe ôm.

Dọc đường Hồ Tùng Mậu, đoạn vỉa hè trước cổng trường Đại học Thương Mại, các hàng rào được dựng lên đã ngăn được tình trạng xe máy đi ngược chiều lên vỉa hè để thoát tắc. Song, một số người dân tại đây vẫn biến khu hàng rào thành nơi buôn bán hàng ăn uống gây lộn xộn, mất mỹ quan đô thị.

Còn lại ở một số đoạn vỉa hè như đoạn từ ngã ba Mỗ Lao - Tố Hữu đến Trung Văn cũng được lắp đặt rào chắn kiên cố kéo dài khoảng 100m. Tại đây luôn thông thoáng, người đi bộ đi lại dễ dàng, thuận tiện. Trước đây vì tắc đường, đa số người dân đã dắt xe máy trên vỉa hè để di chuyển nhanh hơn cũng như tránh CSGT xử phạt.

Hay dọc tuyến đường Nghiêm Xuân Yêm, từ chung cư CT1 - Bắc Linh Đàm đến giao đường Kim Giang cũng dễ dàng nhận thấy người đi bộ khá thoải mái, an toàn khi lưu thông trên vỉa hè nhờ hệ thống rào chắn bảo vệ.

Có cần thiết lắp đặt barie trên vỉa hè không?

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy - chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, mục tiêu của hệ thống rào chắn là nhằm hạn chế tình trạng các phương tiện đi lên vỉa hè gây mất an toàn giao thông. Về cơ bản, mục tiêu này là tốt nhưng mức độ hiệu quả của mỗi vị trí lại khác nhau.

Theo bà Thủy, dựng barie là tình thế buộc phải làm khi lực lượng chức năng khó xử lý vi phạm. Còn thực tế, barie trên vỉa hè trông sẽ mất mỹ quan.

Thiết lập barie ở đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) để không cho phương tiện xe cơ giới di chuyển lên nhưng vẫn là nơi để xe của hàng loạt xe máy.

Thiết lập barie ở đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) để không cho phương tiện xe cơ giới di chuyển lên nhưng vẫn là nơi để xe của hàng loạt xe máy.

"Nhiều vị trí barie, cần phải tính đến có thuận lợi cho người đi bộ không, có làm bất tiện với người khuyết tật không, hay việc bỏ nhiều tiền ra lập barie có ngăn được vi phạm không...là những nội dung cơ quan chức năng cần tính đến. Không phải vỉa hè nào cũng dựng barie", bà Thủy góp ý.

Bà Thủy nói thêm: "Hiện nay nhiều đoạn vỉa hè thiết lập barie nhưng mỗi đoạn một kiểu khác nhau, có khi là Sở GTVT Hà Nội thực hiện, có điểm cấp quận làm, có khu vực khu dân cư lại doanh nghiệp làm... Cũng vì thế mà nhiều mẫu, nhiều kiểu không đồng nhất. Theo tôi đã làm cũng cần áp dụng một mẫu đồng nhất và đảm bảo tính khả thi".

Còn TS. Nguyễn Hữu Đức bày tỏ, Hà Nội cần thực hiện việc lắp đặt rào chắn có kế hoạch, đánh giá tình hình các tuyến đường đã lắp đặt rào chắn xem mức độ hiệu quả đến đâu, từ đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp tình hình và nhu cầu thực tế, tránh tình trạng làm đại trà sẽ gây lãng phí, phản tác dụng.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lap-barie-co-ngan-chiem-dung-via-he-192240130181705504.htm