Lập BCĐ phòng chống tham nhũng cấp tỉnh: Tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh
Thực hiện chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tháng 6 năm ngoái, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Bình. Sau thời gian thành lập, nhiệu vụ việc, vụ án đã được chỉ đạo xử lý kịp thời, tránh 'trên nóng dưới lạnh'.
Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh Quảng Bình đã kiện toàn tổ chức, bộ máy. Trong phiên họp đầu tiên, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Bình thống nhất đưa một số vụ án nổi cộm tại địa phương vào diện theo dõi, chỉ đạo. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Quảng Bình bổ sung 3 vụ án, vụ việc cụ thể vào diện theo dõi. Đến cuối năm ngoái, 3 vụ án này đã được khởi tố, điều tra.
Trong đó, vụ án Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên cán bộ địa chính-xây dựng xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình, Cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam các đối tượng liên quan. Riêng vụ án liên quan đến sai phạm tại Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào năm 2014, Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra. Theo hồ sơ vụ án, năm 2014, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đề xuất và được UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý đầu tư thi công công trình thay thế biển quảng bá Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng trên nền công trình cũ ở gần đỉnh ngọn núi đá vôi cạnh đường vào động Phong Nha. Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 3 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào thời điểm đó đã không thực hiện đầy đủ các thủ tục thu hồi, thanh lý tài sản nhà nước theo đúng quy định. Ngoài ra, một số hạng mục lập sai định mức, đẩy giá trị công trình lên cao gây thất thoát tài sản nhà nước.
Ông Lê Công Toán, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, từ khi có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng tăng cường chỉ đạo đối với các huyện. Trên cơ sở đó, huyện nhận thức sâu sắc hơn về công tác phòng chống tham nhũng. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, cấp huyện tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng; Chỉ đạo các cơ quan tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các hình thức khác nhau.
Qua đó, giúp cán bộ Đảng viên, nhân dân trên địa bàn nhận thức sâu sắc hơn về công tác phòng chống tham nhũng. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng.
Ông Lê Công Toán, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch khẳng định, Ban Thường vụ Huyện ủy tăng cường xây dựng kế hoạch và tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác phòng chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực, kịp thời giải quyết các đơn thư khiếu nại và tố cáo của các tổ chức, cá nhân:
“Trên địa bàn có một vụ việc liên quan đến đất đai trước đây. Tinh thần của Ban Thường vụ Huyện ủy xác định rõ là nếu liên quan đến phần trách nhiệm của Ban Thường vụ Huyện ủy thì phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ, tinh thần là xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Thực hiện thực hiện tinh thần của tỉnh, thì huyện tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng để làm rõ. Nhiệm vụ của huyện xử lý theo quy định, tức là sai phạm là phải xử lý, sai đến đâu xử lý đến đó.”
Để tăng cường công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Tổ giúp việc Bí thư Tỉnh ủy do Trưởng Ban Nội chính làm Tổ trưởng. Mặt khác, thành lập Tổ tham mưu xử lý đơn thư giúp Trưởng Ban Nội chính do Trưởng phòng Tổng hợp thuộc Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Tổ trưởng. Tổ giúp việc của Bí thư Tỉnh ủy gồm thành viên là Giám đốc các sở ngành liên quan.
Khi xử lý sự việc liên quan đến sở ngành nào thì lãnh đạo sở ngành ấy tham gia. Vụ việc xảy ra ở địa bàn nào thì một người trong Thường trực Huyện ủy, Thành ủy địa phương tham gia. Nếu khiếu nại tố cáo liên quan đến Bí thư thì Phó Bí thư Thường trực tham gia Tổ giúp việc và ngược lại. Với cách làm này, sự việc được giải quyết khách quan và phù hợp với thực tiễn địa phương. Hiện tại, tất cả đơn thư khiếu nại tố cáo trên địa bàn tỉnh đều được Ban Nội chính Tỉnh ủy tổng hợp thành một báo cáo chung hàng tháng.
Đã thành nếp, hàng tháng, đến ngày cố định, các đơn vị khối nội chính và địa phương phải gửi báo cáo tổng hợp về việc tiếp nhận xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo. Cách làm này tránh tình trạng hàng chục đơn vị, địa phương đều cùng nhận một đơn và gửi đi lòng vòng. Quan trọng nhất là tổ giúp việc phải tham mưu thẩm quyền xử lý từng đơn thư thẩm quyền giải quyết thuộc về đơn vị địa phương nào, tiến độ giải quyết đến đâu. Nội dung mỗi đơn thư đều phải đưa ra được báo cáo đầy đủ và có nhận xét, nhận định cụ thể để Thường trực cấp ủy xem xét, chỉ đạo. Ông Nguyễn Lương Bình, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Bình cho biết:
“Các ngành trong khối nội chính, các ngành trong cơ quan tố tụng có trách nhiệm quyết tâm làm theo chỉ đạo chung. Cái mình tâm đắc bởi vì mình nhìn thấy, như xưa như 1 cái đơn thành 4 cái đơn, không có cơ quan tổng hợp, gửi cho Ủy ban kiểm tra thì Ủy ban kiểm tra báo cáo, gửi cho Nội chính thì Nội chính báo cáo thường trực Tỉnh ủy rồi Thanh tra Tỉnh cũng báo cáo. Trước đây có những tháng nhận 1000 cái đơn. Trong đó thực chất là 700 thôi, còn 300 là trùng. Bây giờ mình làm lại là rất cụ thể, tráng trùng lặp, tránh đùn đẩy, tránh trách nhiệm.”
Với cách làm này, tỉnh Quảng Bình đã đẩy nhanh quá trình xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo, xử lý các vụ án oan sai. Từ đó tạo chuyển biến trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở các đơn vị, địa phương, tạo sự tin tưởng của người dân.
Ông Đinh Minh Thử, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình đánh giá: “Do cái này là chủ trương thành lập Ban Nội chính, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh tôi cho là rất thiết thực hiệu quả. Gần đây chúng tôi theo dõi, ở Quảng Bình sau khi được thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban và các thành viên trong Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng. Bước đầu theo dõi thấy có quy chế, có phân công, họp chỉ đạo xác định gọi là án điểm, vụ án trọng điểm mà cần phải có sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Buổi đầu nghe dư luận chung là rất đồng tình. Tôi cho cách làm này rất tốt và hiệu quả đáp ứng nguyện vọng nhân dân.”./.