Lắp cảm biến áp suất lốp, nhớ kỹ điều này để tránh hỏng xe
Cảm biến áp suất lốp hỗ trợ theo dõi tình trạng lốp nhằm đảm bảo an toàn khi lái xe, tuy nhiên, nếu lắp đặt không đúng cách, thiết bị này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất vận hành và thậm chí gây hư hỏng cho xe.
Cảm biến áp suất lốp (TPMS) ngày càng trở thành một phụ kiện phổ biến được nhiều chủ xe ô tô lựa chọn, đặc biệt là đối với những dòng xe chưa tích hợp sẵn hệ thống cảnh báo áp suất lốp. Thiết bị này giúp người lái dễ dàng theo dõi tình trạng lốp, từ đó chủ động đảm bảo an toàn khi vận hành xe.

Bộ cảm biến áp suất lốp có 2 loại phổ biến là lắp bên trong và lắp bên ngoài. Ảnh: Ngô Minh
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng việc lắp đặt cảm biến áp suất lốp nếu không đúng kỹ thuật có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và tuổi thọ của lốp xe. Vậy nguyên nhân do đâu?
Chia sẻ với VietNamNet, anh Nguyễn Đức Thi – Giám đốc chuỗi cửa hàng Thi Lốp (Hà Nội) – cho biết, hiện nay trên thị trường có hai loại cảm biến áp suất lốp dành cho ô tô: loại lắp ngoài (gắn trực tiếp lên đầu van) và loại lắp trong (thay thế van nguyên bản, gắn trực tiếp vào vành xe).
Trên thực tế, nhiều người lựa chọn lắp đặt phụ kiện này tại các cửa hàng đồ chơi ô tô không chuyên về lốp xe, nơi thường thiếu các thiết bị chuyên dụng để cân bằng bánh xe. Vì vậy, quá trình cân bằng lại lốp sau khi lắp cảm biến thường bị bỏ qua.
Hệ quả là xe vẫn tiếp tục lưu thông mà không được kiểm tra lại độ cân bằng, khiến các ảnh hưởng tiêu cực lên hệ thống treo và lốp xe diễn ra âm thầm. Đến khi người dùng nhận ra sự bất thường thì thiệt hại đã phần nào xảy ra.

Việc lắp thêm bộ cảm biến lên vành xe làm thay đổi trọng lượng phân bổ của bánh xe. Ảnh: Ngô Minh
Anh Nguyễn Đức Thi cho biết: “Việc lắp bộ cảm biến áp suất lốp ít nhiều sẽ làm thay đổi khối lượng bánh xe. Đặc biệt, loại cảm biến gắn trực tiếp vào vành xe tuy có tính thẩm mỹ cao hơn, nhưng lại nặng hơn van nguyên bản, với trọng lượng dao động từ 10 đến 50g. Dù khối lượng này không lớn, nhưng nó có thể tạo ra điểm ‘nặng’ cục bộ, phá vỡ sự phân bố trọng lượng đều trên bánh xe. Nếu không được xử lý đúng kỹ thuật, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng động của bánh xe.”
Theo anh Thi, khi xe vận hành ở tốc độ trên 70 km/h, lực ly tâm sẽ khuếch đại mọi chênh lệch về trọng lượng, khiến bánh xe quay không đều và gây ra hiện tượng rung lắc thân xe. Bánh xe bị mất cân bằng không chỉ khiến lốp mòn không đều, giảm tuổi thọ, mà còn ảnh hưởng đến vô lăng và tạo áp lực lớn lên các bộ phận trong hệ thống treo như giảm xóc, ổ trục, lò xo…
Không chỉ vậy, hiện tượng rung, ồn và mất ổn định khi chạy ở tốc độ cao còn làm giảm đáng kể trải nghiệm lái xe. Về lâu dài, một chiếc xe bị mất cân bằng bánh có thể dẫn đến hư hại nghiêm trọng và phát sinh chi phí sửa chữa không nhỏ.

Việc cần làm ngay sau khi lắp cảm biến áp suất là cân bằng lại bánh xe. Ảnh: Ngô Minh
Để tránh những rủi ro nêu trên, anh Nguyễn Đức Thi khuyến cáo người dùng nên chủ động kiểm tra với đơn vị lắp đặt sau khi gắn cảm biến áp suất lốp, dù là loại van trong hay ngoài, rằng họ đã thực hiện cân bằng bánh xe hay chưa. Trong trường hợp chưa được cân bằng, việc mang xe đến các cơ sở chuyên nghiệp để thực hiện cân bằng động là điều bắt buộc.
Hiện nay, chi phí cho một lần cân bằng bánh xe khá hợp lý, chỉ dao động từ 50.000 đến 80.000 đồng/lốp, tùy theo dòng xe. Đây là một bước nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng trong quy trình bảo dưỡng ô tô, góp phần giúp xe vận hành ổn định, êm ái, kéo dài tuổi thọ lốp, đồng thời giảm thiểu nguy cơ hao mòn sớm đối với hệ thống treo và các bộ phận liên quan.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!