Lấp đầy khoảng trống

'Chật vật' tuyển sinh sau đại học, trong đó có trình độ thạc sĩ là thực trạng diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục đại học, trong đó có cả trường tốp đầu.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Dù Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ GD&ĐT đã “mở” khi cho phép các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển, tuyển sinh nhiều đợt trong năm, nhưng một số trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Theo Quy chế này, phương thức tuyển sinh do cơ sở đào tạo quyết định, gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa 2 hình thức. Cơ sở giáo dục cũng được tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện đảm bảo chất lượng, để kết quả đánh giá tin cậy như tuyển sinh trực tiếp.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, gần đây tuyển sinh thạc sĩ thường không đủ chỉ tiêu. Năm học 2019 - 2020, chỉ tiêu thạc sĩ của cả nước là hơn 59.500 nhưng chỉ tuyển được trên 41.500 học viên, đạt 69,7%. Năm học 2020 - 2021, chỉ tiêu là hơn 56 nghìn nhưng chỉ tuyển sinh được trên 40.600 học viên (72,48%).

Thực tế, nhiều người có nhu cầu học sau đại học nên nguồn tuyển thạc sĩ không thiếu cho các trường. Tuy nhiên, giữa nhu cầu học và thực tế tuyển sinh vẫn còn khoảng cách. Có giả thiết cho rằng, có thể yêu cầu điều kiện đầu vào về trình độ ngoại ngữ khiến nhiều người quan ngại.

Thứ nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài “chiêu sinh” bằng các chương trình học bổng khác nhau, tạo thế cạnh tranh với đơn vị đào tạo trong nước nên người học có nhiều lựa chọn. Ngoài ra, cũng có đơn vị chưa chú trọng đến chất lượng đào tạo khiến dư luận hoài nghi về “sản phẩm” đầu ra.

Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, đào tạo bậc thạc sĩ của nhiều cơ sở yếu và thiếu những điều kiện cần thiết dẫn đến chất lượng có chiều hướng suy giảm. Các cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu, một phần do người học sau khi được cấp bằng chưa được đãi ngộ xứng đáng, thậm chí còn nhiều bất hợp lý trong bố trí sử dụng. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nhân lực trình độ cao nói chung, đào tạo sau đại học nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những lý do trên vô hình trung trở thành rào cản trong công tác tuyển sinh sau đại học, trong đó có trình độ thạc sĩ. Đến lúc chúng ta cần nhìn lại và cùng đánh giá một số vấn đề liên quan như: Xu thế, nhu cầu; cơ hội và thách thức; quy trình bảo đảm chất lượng; định hướng phát triển đào tạo, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo và phục vụ cộng đồng; chuẩn đầu vào, đầu ra và quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo - người học - xã hội.

Cùng đó, cần tăng cường quản lý tuyển sinh, đào tạo sau đại học. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm chất lượng. Song để tuyển đủ chỉ tiêu, các trường phải chủ động thay đổi phương thức tuyển sinh, chất lượng đào tạo. Muốn vậy, trước hết phải đảm bảo số và chất lượng các cơ sở đào tạo; đồng thời đảm bảo đội ngũ giảng viên, nhà khoa học và tuyển chọn đúng đối tượng đào tạo. Trên cơ sở đó rà soát cơ cấu ngành nghề đào tạo để có cơ sở đề xuất các giải pháp điều chỉnh phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và từng lĩnh vực, ngành khoa học.

Nói như GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cần nhận diện công tác đào tạo sau đại học trong những năm qua trên tinh thần khách quan và triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp sẽ là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học ở nước ta.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lap-day-khoang-trong-post667595.html