Lắp đèn diệt khuẩn UV trong thang máy để ngừa COVID-19

Nhiều ý kiến cho rằng đèn diệt khuẩn UV có thể khử khuẩn rất hiệu quả và khi sử dụng không nên sử dụng lúc có người.

Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tòa nhà chung cư, bệnh viện tại TP.HCM đã được lắp đèn diệt khuẩn UV tại các vị trí thang máy để diệt khuẩn, ngăn ngừa COVID-19. Thế nhưng, nhiều cư dân sống tại các chung cư có ý định lắp loại đèn này đang lo ngại vì tác hại của tia UV.

Hàng trăm hệ thống đèn UV diệt khuẩn được lắp đặt ở thang máy của các tòa nhà bệnh viện, chung cư, trung tâm y tế. Ảnh: THU TRINH

Hàng trăm hệ thống đèn UV diệt khuẩn được lắp đặt ở thang máy của các tòa nhà bệnh viện, chung cư, trung tâm y tế. Ảnh: THU TRINH

Lo ngại gây hại cho da, mắt

Chị Nguyễn Thùy Trang (cư dân chung cư HOF-HQC 35 Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết chung cư HOF-HQC có sáu block, trong đó một block đã lắp đèn diệt khuẩn UV. Riêng block chị Trang ở đang có nhu cầu lắp loại đèn này nên nhiều cư dân kêu gọi góp tiền để lắp. Theo chị Trang, việc lắp loại đèn này có nhiều người tán thành nhưng số khác lại không đồng ý vì e ngại đèn có tia UV gây ung thư da và gây hại cho mắt.

“Chúng tôi không rành về loại đèn diệt khuẩn UV, nếu làm theo phong trào của các chung cư khác hoặc đọc các bài viết trên mạng mà không biết thực hư về hiệu quả của đèn này thì lợi bất cập hại. Chúng tôi mong được chuyên gia giải thích và nhà sản xuất cam kết về hiệu quả của loại đèn này để cư dân yên tâm hơn khi có mong muốn lắp đèn diệt khuẩn khu vực thang máy” - chị Thùy Trang nói.

Anh Hoàng Quốc Việt (chung cư Jamiala Khang Điền, TP Thủ Đức) cho hay: “Từ khi COVID-19 bắt đầu phức tạp, khi di chuyển tôi hạn chế sử dụng thang máy và chỉ đi khi không có người, tuy vất vả nhưng an toàn. Nhiều chung cư đang rầm rộ lắp đèn để khử khuẩn thang máy, còn riêng tôi chưa biết về những rủi ro mà loại đèn này mang lại nên cân nhắc rất kỹ. Vì lắp đèn diệt khuẩn UV là việc quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả tòa nhà, đặc biệt là các cháu nhỏ”.

Trao đổi với PV, ông Vương Quan Trường, Giám đốc Công ty Vi-Light (đơn vị sản xuất đèn diệt khuẩn UV), cho biết tia UV ảnh hưởng đến da và mắt nếu tiếp xúc trực tiếp trong thời gian đủ lâu là điều không thể chối cãi. Tuy nhiên, sản phẩm đèn UV diệt khuẩn ngừa COVID-19 trong thang máy của đơn vị được phát triển với mục đích tận dụng tính năng diệt khuẩn của tia UVC nhưng hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc với da và mắt của người dùng.

Đèn diệt khuẩn UV thang máy của Vi-Light sử dụng cảm biến đóng mở cửa và cảm biến chuyển động để nhận biết có người trong thang máy và đèn sẽ không hoạt động nếu có người đang ở trong thang máy hoặc thang máy đang mở. Hệ thống đèn sẽ tắt nhằm đảm bảo hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người sử dụng và đèn UV.

Ông Trường cho biết thêm, hệ thống đèn UV lắp trong thang máy có nhiều điểm khác và chức năng bảo vệ sẽ cao hơn nhiều so với hệ thống lắp trong bệnh viện. Các tính năng được thêm vào nhằm đảm bảo tối ưu sự an toàn cho người sử dụng mà hệ thống đèn trong bệnh viện thường không có.

Chức năng ngăn ngừa COVID-19 cao

Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), đèn diệt khuẩn UV có thể khử khuẩn rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi sử dụng loại đèn này không nên sử dụng lúc có người, tia UV có thể gây ảnh hưởng đến da và mắt.

“Chúng ta chỉ sử dụng loại đèn này ở những nơi có nguy cơ có virus và chỉ bật khi không có người. Nếu tiếp xúc trực tiếp với tia UV thì có thể gây phỏng da và hư mắt. Hiện nay cũng có một số loại đèn cảm ứng được sáng chế nếu có người đi qua thì đèn tự tắt. Một lưu ý thêm là khi sử dụng loại đèn này thì người dùng phải tính toán không gian của phòng bao nhiêu để biết sử dụng loại đèn nào, không sử dụng lung tung được” - BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Ông Phạm Hoàng An, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu Global Home, đánh giá cao hiệu quả của hệ thống đèn diệt khuẩn UV tại khu vực thang máy nhằm khử khuẩn đảm bảo an toàn cho cư dân. Sự lo ngại về tia UV của cư dân là đúng, tuy nhiên nhà sản xuất đã xây dựng hệ thống cảm biến chỉ vận hành khi không có người sử dụng.

Ông An cho hay từ năm ngoái, công ty tuyên truyền khuyến nghị ban quản trị chung cư lắp đặt hệ thống đèn trong thang máy và cư dân lắp đặt đèn trong chính căn hộ trong phòng vệ sinh. Theo thống kê, hiện nay có 50% các dự án chung cư do công ty quản lý đã lắp đèn diệt khuẩn UV, đây là công tác vận hành mang lại lợi ích chung cho cư dân từ nguồn kinh phí của ban quản trị hoặc do công ty hỗ trợ và tài trợ chi phí lắp đặt.

Chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định COVID-19 lây qua ống thông gió

Tại cuộc họp báo về công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn TP.HCM ngày 13-8, trả lời về lo ngại bị lây COVID-19 qua ống thông gió ở chung cư của người dân, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, cho biết hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định việc virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua hệ thống thông gió chung cư.

Theo BS Tâm, có khả năng nhận định virus lây qua hệ thống thông khí chung với nhau ở chung cư xuất phát từ các suy luận khi chủng virus Delta có thể lây nhiễm qua không khí. Chủng virus Delta lây lan qua giọt bắn, có khả năng tồn tại ở môi trường nhưng không lâu, nhất là nhiệt độ nóng.

Mặc dù các chung cư có hệ thống thông gió chung, không khí được hút từ các phòng và đẩy ra ngoài, chỉ hút ra chứ không phải chuyển từ căn hộ này sang căn hộ khác. Do đó, khó có khả năng virus lan từ căn hộ này sang căn hộ khác. BS Tâm cho rằng cần có nghiên cứu khoa học cụ thể mới có thể khẳng định được.

Trao đổi với PV, BS Phạm Anh Tuấn, Khoa nhiễm BV quận 11, cho biết virus SARS-CoV-2 đã được chứng minh lây qua giọt bắn ở khoảng cách tiếp xúc gần, do đó khi ở chung cư, người dân cũng phải tuân thủ nguyên tắc 5K, hạn chế tiếp xúc. Nếu cần nói chuyện thì nên giữ khoảng cách trên 2 m và đeo khẩu trang. “Bình thường khoảng cách 2 m là an toàn nhưng nếu người đối diện không mang khẩu trang mà hắt hơi thì giọt bắn virus có thể theo luồng gió bay xa 3, 4 m trở lên” - BS Tuấn lý giải.

Để hạn chế lây lan virus ở chung cư, theo BS Tuấn, các phòng chung cư nếu có cửa chính gần nhau hoặc cửa sổ thông ra lối đi chung thì nên đóng lại, đề phòng giọt bắn virus theo luồng không khí lây sang. Nếu là người bệnh F0 cách ly tại chung cư có cửa sổ nhìn ra ngoài trời thì nên mở cửa sổ cho thông thoáng, dễ thở. Về nguyên tắc, virus gặp không khí thoáng và ra môi trường gặp nhiệt độ cao sẽ bị pha loãng nồng độ và không tồn tại lâu. H.LAN

THU TRINH - NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/lap-den-diet-khuan-uv-trong-thang-may-de-ngua-covid19-1008003.html