Lập di chúc chia tài sản thừa kế
Những năm gần đây, thường xuyên xảy ra các vụ anh em, bà con dòng họ đưa nhau đến tòa vì tranh chấp tài sản thừa kế. Bộ luật Dân sự quy định khá rõ về việc để lại và chia tài sản của người đã khuất có di chúc hay không, nhưng do hiểu biết chưa thấu đáo, nhiều người không quan tâm việc lập di chúc chia tài sản thừa kế, nên có thể xảy ra những chuyện tranh chấp đau lòng.
Không phải lo thành chuyện đã rồi
Theo lời khuyên của bạn bè, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông N.X.H. (79 tuổi, nhà ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM) đã chấp thuận làm thủ tục sang tên căn nhà của mình cho người con trai trưởng. Ông H. có 2 người con, cả hai đều ở riêng và có cuộc sống trên mức trung bình. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị đi cùng người con trai trưởng đến phòng công chứng, thì ông H. lại thay đổi ý định.
Ông H. nói dứt dạt: “Chết thì đâu thể mang theo được gì, vợ chồng tôi đã tính rồi, tài sản để lại cho các con. Tuy nhiên, tôi quyết định không đi làm thủ tục sang tên cho con trai tôi. Bởi lẽ, bây giờ vợ chồng tôi đã rất già yếu. Nếu sang tên căn nhà cho con tôi, có nghĩa là con tôi được toàn quyền với tài sản này. Bình thường không sao, nhưng nếu con tôi bán, cầm cố nhà thì vợ chồng tôi không biết đi đâu. Sang tên cho con rồi thì mình đâu thể đòi lại được. Không lẽ cha con lại kiện cáo nhau. Về lý thì vợ chồng tôi bị thiệt thòi là điều chắc chắn”.
Lý giải về chuyện băn khoăn của ông H., luật gia Trịnh Phi Long, Tổ trưởng Tổ tư vấn pháp lý miễn phí của Hội Cựu chiến binh TPHCM, cho biết: “Chúng tôi đã tiếp xúc với khá nhiều cựu chiến binh, người cao tuổi có tâm trạng băn khoăn như vậy. Để giải quyết ổn thỏa việc chia tài sản thừa kế, khi trong trạng thái tỉnh táo, không bị ép buộc, ông H. nên đến UBND phường xã, văn phòng công chứng, văn phòng luật sư làm di chúc chia tài sản thừa kế. Trong đó ghi rõ ai được bao nhiêu của khối tài sản. Di chúc có thể hủy bỏ hay sửa đổi, bổ sung, văn bản cuối cùng mới là văn bản có giá trị pháp luật. Mục đích của việc lập di chúc là chuyển tài sản - di sản của mình sang cho người khác và di chúc chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc đã chết. Do vậy, sẽ không phải lo thành chuyện đã rồi. Người lập di chúc có quyền công bố hay không công bố, cho ai hay không cho ai sở hữu bao nhiêu tài sản của mình”.
Các điều kiện của di chúc
Ông P.T.K. có 4 người con. Cách đây hơn chục năm, sau khi vợ mất, ông K. kết hôn với bà T. Ông K. có 2 căn nhà và ông đã bán một căn. Số tiền bán nhà khoảng 10 tỷ đồng, ông chia đều cho các con. Khi ông K. qua đời, người con trưởng đến nhà yêu cầu bà T. ra khỏi nhà. Bà T. tất tả cầm tờ di chúc đến tận nhà gặp luật gia Trịnh Phi Long nhờ tư vấn.
Đọc xong tờ di chúc, ông Long khẳng định: “Bà cứ bình yên sống ở đó, không lo sợ gì cả. Tờ di chúc ghi rất rõ việc phân chia tài sản rồi. Các con ông K. đã được phân chia tài sản. Bà được ở trong căn nhà đó để làm nơi thờ tự ông K. Bà được toàn quyền định đoạt (bán, cho) đối với khối tài sản này bằng di chúc”.
Luật sư Nguyễn Đình Phong phân tích thêm: “Việc phân chia khối tài sản mà người qua đời để lại được pháp luật quy định rất rõ. Cụ thể, Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, và con thành niên mà không có khả năng lao động, vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó. Vì vậy, một người muốn định đoạt tài sản của mình bằng di chúc, cần phải tuân theo các quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc”.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lap-di-chuc-chia-tai-san-thua-ke-668357.html