Lập đoàn kiểm tra liên ngành các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm cao tại Hà Nội, TPHCM

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành các cụm công nghiệp, các làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm cao tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trên cả nước; hoàn thành trong tháng 7/2025.

Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm

Theo đó, tại Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai các nhiệm vụ giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm để trong 5 năm tới đạt mục tiêu chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở ngưỡng an toàn với sức khỏe con người.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải triển khai ngay việc kiểm kê nguồn thải, đánh giá thực trạng môi trường không khí; xây dựng kế hoạch hành động 5 năm và hàng năm trong đó, xác định chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể, yêu cần giảm hạn ngạch khí thải đến từng lĩnh vực theo từng năm để đánh giá việc thực hiện như các chỉ tiêu về phát triển kinh tế- xã hội.

Khẩn trương ban hành theo thẩm quyền và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, tái chế chất thải rắn xây dựng; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chuyển đổi sang phương tiện xanh, ít phát thải; ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải tại địa phương mình theo hướng cao hơn, chặt hơn so với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong tháng 5/2025.

Thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh trong giao thông công cộng, tổ chức các biện pháp điều tiết phương tiện giao thông hợp lý, thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ, nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu giải pháp về khu vực phát thải thấp tại địa phương, triển khai khi có đủ điều kiện.

Thực hiện ngay các biện pháp quản lý chất thải, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị để giảm thiểu khí thải, bụi phát tán; áp dụng các giải pháp, phương tiện theo dõi từ xa, thường xuyên, liên tục các hoạt động xây dựng, hoạt động thu gom, vận chuyển, đổ thải, xử lý, tái chế chất thải xây dựng tại từng công trình cũng như trên toàn địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm; đề xuất sửa đổi, bổ sung các mức phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng; tăng cường thẩm quyền xử phạt cho cấp phường, xã, công an cấp cơ sở trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần khẩn trương triển khai các biện pháp quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chủ động nghiên cứu, lên phương án di dời, chuyển đổi các cụm công nghiệp lên thành khu công nghiệp, đề xuất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Kiểm tra các cụm công nghiệp, các làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm cao

Phó Thủ tướng giao các Bộ: Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành các cụm công nghiệp, các làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm cao tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trên cả nước; hoàn thành trong tháng 7/2025.

Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí, ủng hộ và cùng thực hiện các giải pháp với Chính phủ; phối hợp với các địa phương tuyên truyền đến từng người dân, từng doanh nghiệp, hợp tác xã về lợi ích việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong thu gom, tái chế phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp.

Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý, xử lý, tái chế chất thải từ vật liệu xây dựng để làm nguyên, vật liệu cho hoạt động sản xuất khác. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động thu gom, xử lý, tái chế chất thải từ vật liệu xây dựng để làm nguyên, vật liệu cho hoạt động sản xuất khác.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ban hành các cơ chế về ưu đãi thay đổi, chuyển đổi nhiên liệu, chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi công nghệ xử lý, phát triển hạ tầng xanh tại các đô thị …

Kiểm kê xác định các nguồn thải vào không khí

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai ngay việc kiểm kê xác định các nguồn thải vào không khí, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải kết nối vào cơ sở dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đầu tư kết nối các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục, đủ dày đáp ứng yêu cầu quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục, định kỳ, có khả năng tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa, truyền dẫn số liệu về cơ quan quản lý.

Đồng thời, thực hiện ngay các biện pháp quản lý chất thải, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng, giao thông, công nghiệp; phát triển không gian xanh trong quy hoạch, xây dựng đô thị. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Triển khai hướng dẫn kỹ thuật để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong thu gom, tái chế phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp, nâng cao nhận thức về tác hại của các hoạt động xử lý theo cách cũ, lạc hậu như đốt mở rơm rạ…

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lap-doan-kiem-tra-lien-nganh-cac-cum-cong-nghiep-lang-nghe-co-so-gay-o-nhiem-cao-tai-ha-noi-tphcm-post341539.html