Lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm tại địa phương
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 38/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Thông báo nêu rõ: Năm 2023, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát ở mức cao. Trong nước, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động chống phá; an ninh, trật tự tại một số nơi còn tiềm ẩn phức tạp; dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại được phục hồi, hoạt động của tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng.
Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các mặt công tác; quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm sáng tạo, công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn những tồn tại, bất cập. Năm 2024, tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước còn gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, số người thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng, các nguyên nhân điều kiện phạm tội chưa được giải quyết triệt để..., tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ gia tăng, phức tạp.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; khẩn trương tiến hành rà soát các chương trình, kế hoạch công tác, chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được và các giải pháp khắc phục thời gian tới, gắn với việc kiện toàn các Ban Chỉ đạo, bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, chú trọng nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp để huy động các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, người dân cùng vào cuộc; tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị lợi dụng, lôi kéo tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật; tiếp tục kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động thực chất, tránh hình thức, chạy theo số lượng, phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật...
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy cho lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Kiểm lâm...; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm yêu cầu công tác trong tình hình mới; có cơ chế sàng lọc, thay thế, luân chuyển những người không đủ năng lực công tác, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật...
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan thu thập, trao đổi thông tin, xác lập các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức; tội phạm liên quan đến "tín dụng đen"; mua bán người; tội phạm liên quan đến công nghệ cao; tội phạm ma túy; tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tội phạm có dấu hiệu "bảo kê", tiếp tay của cán bộ, công chức; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm đối với một số loại tội phạm nổi lên tại một số địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP; thực hiện có hiệu quả đợt cao điếm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024...
Bộ Tài chính làm tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; chỉ đạo các lực lượng phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng cấm như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như phân bón, xăng dầu, khoáng sản, đường cát, rượu, bia, dược phẩm, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dược liệu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động công vụ của công chức Hải quan, không để phát sinh tiêu cực, tham nhũng, "bảo kê", tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ, thu thập thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các doanh nghiệp lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, trốn thuế, vận chuyển hàng cấm.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm soát tốt thị trường, phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, kinh doanh khí N2O, không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu N2O để bán cho các đối tượng sử dụng sai mục đích, sử dụng kết hợp với nhiều loại ma túy.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống của Nhân dân; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán để phát hiện xử lý các vi phạm, chấn chỉnh các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn hoạt động thanh toán, an toàn tài sản cho người dân; xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để phạm tội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế; phối hợp các địa phương có liên quan nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị của cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng yêu cầu công tác cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy; tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy bắt buộc.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình an ninh, trật tự và các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên địa bàn.../.