Lập gần 100 trạm thu phí vào nội đô Hà Nội liệu có giảm được ùn tắc?

Nhiều chuyên gia đánh giá đề án thu phí vào nội đô Hà Nội chưa thích hợp, ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân khi vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Mức thu phí từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt

Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" (đề án thu phí xe ô tô vào nội đô) vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông - vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội lần thứ 3.

Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm).

Khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào. Cụ thể, là phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Đối tượng thu phí được đề án xác định là ô tô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông. Nhóm xe được miễn phí gồm: Xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng...

Hà Nội dự kiến lập gần 100 trạm thu phí tự động ô tô vào nội đô giờ cao điểm.

Hà Nội dự kiến lập gần 100 trạm thu phí tự động ô tô vào nội đô giờ cao điểm.

Nhóm xe được giảm phí gồm ô tô của các doanh nghiệp công ích, ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe vận tải trung chuyển hành khách); vận tải nội bộ từ 10 chỗ trở lên (bao gồm cả lái xe); ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa (xe taxi tải, xe kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường, xe kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp); ô tô từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả lái xe) của hộ gia đình trong khu vực thu phí, ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí.

Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô.

Về mức phí thu và có thể mang lại hiệu quả và thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, Sở GTVT Hà Nội lý giải: "Theo nguyên tắc, mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố. Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng".

Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h - 21h. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.

Về thời gian thực hiện, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024.

Đối tượng thu phí được đề án xác định là ô tô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Đối tượng thu phí được đề án xác định là ô tô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Về công nghệ thu phí, đề án áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Hình thức thu phí này được kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm) qua hệ thống camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí và xử lý hành vi không nộp phí.

Nên thí điểm trước!

Nói về đề án trên, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết: Việc thu phí vào nội đô các nước đã triển khai từ lâu, Hà Nội cũng đặt ra từ nhiều năm nay. Nhưng khó thực hiện nhất là do mạng lưới giao thông của mình hiện nay là sự kết hợp của nhiều mạng lưới giao thông, vừa là mạng lưới ô bàn cờ, vừa là mạng lưới vành đai và trục xuyên tâm.

"Vậy nên đề xuất này là chưa thích hợp, tức là làm sao chọn ở những vị trí thích hợp nhất, đầu mối giao thông và đặc biệt phải xác định được các khu vực hạn chế giao thông. Với đề xuất vừa rồi, tôi thấy chưa thể lọc sạch được ô tô vào nội đô. Bởi trong nội đô hiện nay có những khu vực áp lực rất lớn về giao thông nhưng cũng có những khu vực chưa phải áp lực lớn thì có nên đặt ở đó các trạm kiểm soát thu phí hay không? Đấy là vấn đề cần phải đặt ra.

Tôi nghĩ Hà Nội với mạng lưới giao thông kết nối nhiều mô hình, nhiều thời kỳ khác nhau, trước hết nên lựa chọn thí điểm 4 quận nội đô lịch sử trước và chọn vùng để làm thí điểm đã, sau đó chúng ta sẽ xem xét triển khai tiếp", ông Nghiêm nói.

Theo giới chuyên gia, thực tế hiện nay giao thông công cộng của Hà Nội năng lực còn hạn chế.

Theo giới chuyên gia, thực tế hiện nay giao thông công cộng của Hà Nội năng lực còn hạn chế.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, đã đến lúc phải đặt ra vấn đề kiểm soát phương tiện ô tô vào nội đô theo kế hoạch đề ra. "Để thực hiện việc này có rất nhiều vấn đề, phải xem xét việc phân bố dân cư, đặc biệt phải xem xét lại việc tổ chức giao thông, bởi hiện nay có rất nhiều tuyến đường một chiều và người ta đã thấy có vấn đề rồi", ông Nghiêm nói và cho rằng phải xem xét lại luồng giao thông để tổ chức những điểm/trạm thích hợp thì mới đảm bảo được, nếu không hiệu quả sẽ không như mong muốn.

Trong khi đó, TS Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nhìn nhận, việc thu phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước hết, giao thông công cộng phải đảm bảo tối thiểu để mọi người chọn đó là giải pháp thay thế việc đi xe cá nhân. Trong khi đó, giao thông công cộng thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của mọi người.

Theo TS Khương Kim Tạo, khi giao thông công cộng chưa thuận tiện, người ta sẽ vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân. Nhưng cũng không phải ai cũng sẵn sàng hay có điều kiện để nộp phí, ví dụ như công nhân, viên chức, họ chỉ có thu nhập là lương, giờ phải trả phí cũng khó. Khi đó người ta sẽ có hiện tượng "lách" nộp phí bằng cách tránh các cung đường lớn có trạm thu phí, tìm đến các đường nhỏ, làm gia tăng việc ùn tắc ở các cung đường này.

Thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô Hà Nội là trong năm 2024.

Thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô Hà Nội là trong năm 2024.

Cùng với đó, nhiều người "có điều kiện" hơn thì sẽ tìm cách mua nhà vào phía trong vành đai để tránh việc phải trả phí thường xuyên, lâu dài. Như thế lại xảy ra hiện tượng người dân tập trung vào phía trong vành đai, càng tăng thêm ùn tắc trong nội đô. Trong khi mong muốn của chúng ta là giãn dân ra các khu vực ngoại thành.

TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh, một thực tế nữa cũng phải nhìn nhận là ùn tắc bây giờ không chỉ diễn ra ở trong mà còn ở ngoài trung tâm thành phố. Vậy thu phí vào nội đô cũng cần tính toán đến vấn đề này.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng, đề án thu phí xe ô tô vào nội đô cần được nghiên cứu kỹ hơn, tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến người dân.

Theo Hiến pháp, người dân có quyền đi lại trên hạ tầng giao thông nhà nước quản lý, ngoài đi công việc, người dân có quyền đi thăm nom, khám chữa bệnh, thậm chí là đi chơi. Áp đặt thu phí hoặc gây cản trở việc đi lại của người dân cần phải đưa ra cơ sở pháp lý thuyết phục.

Ngoài ra, điều kiện về hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên cần khảo sát ý kiến rộng rãi, thí điểm trước khi áp dụng.

TS Chung Thành Tiến (chuyên gia kinh tế) chia sẻ: "Về mặt công nghệ để thu phí, ở Singapore, người dân dùng một thẻ cho tất cả dịch vụ công cộng rất tiện lợi. Do đó, các đơn vị nên tập trung nghiên cứu khắc phục những sai sót còn tồn tại của thẻ ETC. Nếu đề án trên được áp dụng cần tính toán tích hợp toàn bộ vào đó cả phí đỗ xe, nộp phạt nguội... Như vậy Nhà nước dễ quản lý, người dân dễ sử dụng".

Nhóm PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lap-gan-100-tram-thu-phi-vao-noi-do-ha-noi-lieu-co-giam-duoc-un-tac-169221017170508056.htm